Trong cuộc tranh đấu cho một nước Việt Nam dân chủ tự do chúng ta đứng trước một con đường, như nhà văn Trần Trung Đạo đã có lần nói đến khi thăm Berlin, rất thênh thang. Có nhiều cách, nhiều lối đi, nhiều ý hướng để đạt mục đích tối hậu là bãi bỏ chế độ Cộng Sản để xây dựng một nước Việt Nam thực sự độc lập tự do, có cơ sở pháp lý và tôn trọng nhân quyền nhân bản.
Từ tinh thần đó, Ban Chấp Hành Liên Hội và một số thân hữu đại diện Hội Đoàn, sau khi tổ chức Biểu Tình và Hội Thảo tại Berlin ngày 12.12.2015 kỷ niệm 67 năm ra đời Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền, đã lên đường đi Leipzig để tham dự buổi Cầu Nguyện Hòa Bình truyền thống mỗi thứ Hai trong nhà Thờ Nikolai. Nơi đây là cái nôi dân chủ nằm từ trong lòng bạo quyền Cộng Sản Đông Đức, là một gương sáng cho những người đang đấu tranh dân chủ tại Việt Nam, là một nơi mà chúng ta có thể rút tỉa ra nhiều bài học cho một sự đấu tranh không bạo động và trường kỳ bền bỉ.
Trong thập kỷ 1980 nước Cộng Hòa Dân Chủ Đông Đức (DDR) đã lâm vào ngõ bí về kinh tế, thiếu thốn mọi điều kể cả lương thực và các nhu cầu căn bản cho người dân, môi trường thì bị ô nhiễm trầm trọng, các hạ tầng cơ sở từ thành phố đến làng xã đều bị hư hỏng vô phương cứu chữa. Trong khi đó hệ thống thông tin “lề phải” và các tổ chức Công An Mật Vụ vẫn cố gắng che dấu sự thật. Nhà cầm quyền Cộng Sản Đông Đức vẫn tiếp tục đàn áp dân chúng, coi thường luật pháp, tổ chức bầu cử gian lận. Những ai có can đảm đứng lên nói ra sự thật đều bị kết án “chống phá nhà nước “. May mắn thay là trong nhà thờ còn có một “khoảng trống“ để mọi người có thể trao đổi tư tưởng và bàn luận, tuy chỉ là nhóm nhỏ, nhưng cũng là một diễn đàn đáng kể.
Cái diễn đàn hòa bình trong lòng DDR bắt đầu từ mùa thu năm 1980 do một nhóm thanh niên Thiên Chúa Giáo tổ chức lần đầu tiên đúng vào 10 ngày trước ngày Sám Hối. Nhóm thanh niên này sau đó bị theo dõi và đe dọa, nhưng buổi Cầu Nguyện Hòa Bình vẫn phát triển.Cho tới năm1982 ngoài buổi Cầu Nguyện Hòa Bình hằng năm, có một nhóm nhỏ bắt đầu tổ chức cầu nguyện mỗi thứ Hai tại nhà thờ Nikolai/ Leipzig. Nhóm Đối Kháng (đi lề trái) gồm các nhóm vì Hòa Bình và vì Môi Trường đã bắt đầu thành hình và hoạt động dưới mái nhà thờ, đã tạo nên những hoạt động đáng kể đòi hỏi tự do dân chủ, bãi bỏ quân sự, bảo vệ môi trường và các quyền căn bản của con người. Họ đã đặt viên đá đầu tiên cho sự công khai chỉ trích nhà nước Cộng Sản. Cùng thời đó vào năm 1985 quan điểm chính trị của Gorbatschow tại Nga dưới chiêu bài Glasnost và Perestroika (minh bạch và đổi mới) cũng đã hổ trợ một cách gián tiếp cho phong trào Hòa Bình này.
Vào những năm cuối thập kỷ 1980 tình trạng kinh tế chính trị ở Đông Đức ngày càng khủng hoảng cho đến nỗi phần lớn người dân Đông Đức đã quyết định bỏ nơi chôn nhau cắt rốn tìm đường sang Tây Đức. Kết quả là một cuộc di dân vĩ đại khi Ungarn dỡ bỏ hàng rào biên giới sang Áo vào tháng năm 1989. Những gì xảy ra sau đó chỉ là một chuỗi sự kiện như ván cờ Domino đưa tới sự sụp đổ của chế độ Cộng Sản Đông Đức.
Đáng kể nhất là cuộc biểu tinh bất bạo động trong buổi Cầu Nguyện Hòa Bình ngày thứ hai 9.10.1989 tại nhà thờ Nikolai Leipzig với sự tham gia tới 70.000 người, đông đảo chưa từng có. Mặc dù dưới sự đe dọa của nhà cầm quyền Cộng Sản mọi người vẫn can đảm hô to khẩu hiệu “ Wir sind das Volk= chúng ta là dân“ khiến cho bộ máy công an cảnh sát hầu như bị mê hoặc tê liệt và nhờ đó không có súng nổ máu rơi.
Chúng tôi đến nhà thờ Nikolai thể theo lời mời của Mục sư Bernhard Stief trong dịp kỷ niệm 850 năm tuổi của nhà thờ đồng thời cũng là dịp kỷ niệm 25 năm thống nhất nước Đức và cũng là dịp tưởng niệm 40 năm Quốc Hận Việt Nam. Mục sư Bernhard Stief xuất thân từ một gia đình thuần Thiên Chúa Giáo mà thân phụ của ông cũng là Mục Sư. Vì vậy lúc thiếu thời ông không được đi học đến nơi đến chốn, ông vừa đi học nghề làm đàn Orgel vừa đi học thêm ban đêm để lấy được bằng Tú Tài. Mãi đến sau khi bức tường ô nhục sụp đổ ông mới được vào Đại Học học về Thần Học ở Leipzig từ năm 1990 và là người kế nhiệm Mục Sư Christian Führer từ năm 2008.
Nhắc đến Mục Sư Christian Führer là nhắc đến một vị lãnh đạo tinh thần can trường của nhà thờ Nikolai trong thời gian từ 1980 tới 2009. Chính Mục Sư Christian Führer đã khởi đầu tổ chức ngày Cầu Nguyện Hòa Bình tại nhà thờ Nikolai đầu tiên vào mùa thu năm 1980 để chống lại sự leo thang vũ trang của Đông và Tây Âu ; từ đó nẩy sanh ra phong trào Cầu Nguyện Hòa Bình mỗi thứ Hai tại đây.
Cho đến bây giờ thuyền thống Cầu Nguyện Hòa Bình mỗi thứ Hai vẫn còn tồn tại, nhưng chỉ kéo dài từ 10 ngày trước Lễ Sám Hối và chấm dứt sau Erste Advent.
Chúng tôi đến nhà thờ Nikolai vào ngày thứ hai 14.12.2015, đúng vào ngày Cầu Nguyện Hòa Bình cuối cùng trong năm vào dịp trước Giáng Sinh. Mục Sư Bernhard Stief tiếp chúng tôi trong căn phòng lịch sử, nơi các nhóm thanh niên Thiên Chúa Giáo Đông Đức đã tụ họp xưa kia để bàn luận với nhau. Qua cách kể chuyện sống động của Mục Sư khiến cho mọi người trong phái đoàn chúng tôi hình dung được sự căng thẳng trong sự đấu trí và liều mạng của những người kiên trì đấu tranh cho hòa bình dân chủ và tự do thời đó. Mục Sư nhấn mạnh về sự bất bạo động trong công cuộc tranh đấu, quyết tâm không để bị khiêu khích và không để “ nhuốm màu chính trị “; vì bạo động hay chính trị hóa những buổi cầu nguyện sẽ tạo lý do cho nhà cầm quyền Cộng Sản lấy cớ sử dụng bạo lực trấn áp ngay.
Với tâm niệm: “lời cầu nguyên làm đứt tung xiềng xích“ mọi người cùng đến nhà thờ mỗi thứ hai, tuy họ biết có rất nhiều Công An Mật Vụ trà trộn trong nhà thờ nhưng họ vẫn kiên quyết cầu nguyện. Nhiều khi sau buổi Cầu Nguyện có những người trên đường về nhà bị tóm bắt lên xe mật vụ, nhưng họ đã được học trước cách đối phó là viết ngay tên tuổi của mình quăng xuống cho người bộ hành gần đó. Tên tuổi người bị bắt sẽ được đem vào nhà thờ công bố lên bảng thông báo để phòng ngừa chuyện bị thủ tiêu vô danh.
Mục Sư Stief đã mô tả và làm sống lại cái không khí gay cấn vào ngày thứ hai mồng 9.10.1989. Hôm đó có đến 70.000 người đến cầu nguyện tràn ngập từ trong nhà thờ đến quảng trường quanh nhà thờ. Công An Mật Vụ kéo vào trà trộn trong nhà thờ trên 600 người, chưa kể đến lực lượng vũ trang bao quanh nhà thờ. Chỉ cần một phát lệnh là súng sẽ nổ, nhưng mầu nhiệm thay, tiếng cầu nguyện và sự thành tâm cho hòa bình đã khiến cho sự hung bạo bị tê liệt.
Trong một cuộc tranh đấu cho lẽ phải có lẽ chúng ta cũng nên có niềm tin vào các Đấng Thiêng Liêng. Con người đã quyết tâm nhưng ván cờ mầu nhiệm vẫn là một yếu tố quyết định cuối cùng.
Trong niềm tin đó chúng tôi cùng Mục Sư Bernhard Stief cùng bước qua Thánh Đường nhà thờ để bắt đầu buổi cầu nguyện truyền thống và đặc biệt có phần cầu nguyện cho Hòa Bình Dân Chủ và Tự Do cho Việt Nam với hình ảnh tiêu biểu của Nguyễn Thị Nga, Hồ Đức Hòa và Đặng Xuân Diệu, đại diện cho các tù nhân lương tâm tại Việt Nam. Điều cảm động hơn nữa là mọi người Đức đi lễ hôm đó và Mục Sư Stief đã cùng với chúng tôi nguyện cầu Hòa Bình cho Việt Nam theo nghi thức Phật Giáo ngay trong Thánh Đường.
Trở về Berlin khi trời đã tối, chúng tôi cảm thấy trong lòng thanh thản và tin rằng lời nguyện cầu tại một địa điểm lịch sử, nơi là dấu mốc khởi điểm và cũng là nơi của sự thử thách cuối cùng trước khi đưa đến sự sụp đổ cả một hệ thống Cộng Sản ờ Châu Âu, sẽ vang vọng đến các Đấng Thiêng Liêng để sự mầu nhiệm sẽ sớm xảy đến cho quê hương dân tộc Việt Nam.
Berlin 24.12.2015
Hoàng Thị Mỹ Lâm
Ảnh Internet
*******
Góp ý của độc giả
Cầu nguyện cho công lý, tự do, dân chủ tại Việt Nam ai cũng có thể làm được và làm ở bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào. Ngay ở tại VN hay trong tù, công an cũng không thể ngăn cản chúng ta cầu nguyện được. Cầu nguyện là môt trong những vũ khí sắc bén nhất mà lại là đơn giản nhất để đối đầu với cộng sản độc tài bất nhân.