Cấm các nhóc con lớp 1 những việc sau: “hút thuốc lá”, “tham gia đua xe hay tàng trữ vận chuyển ma túy”, “kích động bạo lực và mê tín dị đoan”.
Hiện trạng nhà vệ sinh trường THCS Colette (TP HCM)
Trong khi một trường tiểu học ở Hà Nội yêu cầu học sinh tiểu học ký cam kết không đua xe, không mê tín dị đoan thì Thông tư 30 của Bộ Giáo dục lại ưu ái trao thêm quyền cho các em: bỏ phiếu bình chọn danh hiệu bạn cùng lớp.
Đầu năm học mới bao giờ cũng là dịp có khối chuyện cười ra nước mắt của các trường học, phụ huynh và thầy cô giáo. Chuyện lạm thu đầu năm thì có lẽ đã không còn quá sốc với nhiều địa phương nữa, vì phụ huynh đã được sốc nhiều năm liên tiếp rồi.
Bản cam kết gây sốc của trường tiểu học Phương Liên ảnh: Ảnh Vietnamplus
Tuy nhiên các phụ huynh của trường THCS Colette (TP HCM) thì năm nay vẫn vinh dự được sốc thêm lần nữa, vì trong cuộc họp phụ huynh đầu năm, nhà trường đưa ra đề xuất về việc đóng góp xây dựng nhà vệ sinh thông minh cho học sinh với số tiền đầu tư khoảng… 2 tỷ đồng, bổ đầu sơ sơ mỗi em là 400.000 đồng.
Sau khi cảm giác sốc qua đi, các phụ huynh đã mạnh dạn nêu ý kiến, nhà vệ sinh thông minh thì lúc nào cũng cần thiết, nhưng còn nhiều điều cấp thiết hơn, ví dụ như bàn ghế học sinh và giáo viên đang xuống cấp và ngay giữa thành phố mà trường vẫn đang phải dùng nước giếng khoan. Chẳng biết trường có động lòng?
Một trường khác là trường tiểu học Lê Quý Đôn (phường 4, thành phố Mỹ Tho, Tiền Giang) lại có sáng kiến độc đáo hơn, đó là vận động phụ huynh mua vé tiệc ăn chay với giá 100.000 đồng/vé. Nguồn thu từ bán vé suất ăn sẽ bổ sung vào khoản chi phí… đúc tượng nhà bác học Lê Quý Đôn vừa được đặt trong khuôn viên trường. Từ chuyện này có thể rút ra một phương châm hành động mới: “cha mẹ ăn chay, con có tượng ngắm”, thật là lợi cả đôi đường.
Tạm dẹp những chuyện liên quan đến tiền nong lẹp nhẹp này sang một bên, chúng ta sẽ có những chuyện khác vui hơn, đó là việc các thầy cô đã kỳ vọng và lo xa đối với học sinh tiểu học nhiều đến như thế nào.
Số là trường tiểu học Tiểu học Phương Liên (Đống Đa, Hà Nội), ngay trong dịp đầu năm học đã phát ra một bản cam kết 3 bên giữa gia đình, học sinh và nhà trường về việc thực hiện hàng loạt “5 không” với nhiều nội dung từ nội quy, phòng chống ma túy và các tệ nạn xã hội đến thực hiện an toàn giao thông.
Tất nhiên cam kết thì tốt thôi, không đi đâu mà thừa cả, chỉ có điều, các nội dung trong cam kết dành cho trẻ từ lớp 1 đến lớp 5 như thế này, đọc lên phụ huynh không lăn đùng ngã ngửa mới là chuyện lạ.
Bản cam kết cấm học sinh “không đeo khuyên tai, nhuộm móng tay, móng chân”; “không điều khiển xe máy khi chưa có giấy phép lái xe”… Có lẽ cảm thấy thế chưa đủ, các thầy cô còn cẩn thận hơn, cấm các nhóc con lớp 1 những việc sau: “hút thuốc lá”, “tham gia đua xe hay tàng trữ vận chuyển ma túy”, “kích động bạo lực và mê tín dị đoan”.
Cơ khổ, trẻ ở tuổi lớp 1 lớp 2, đến uống hộp sữa cha mẹ cũng còn phải nhắc nhở rát hơi bỏng cổ, thế mà nhà trường đã lo các em đua xe, hút thuốc lá, tàng trữ ma túy, kích động bạo lực, mê tín dị đoan… thì có lẽ chỉ có thể giải thích lý do là các thầy cô đã quá kỳ vọng ở các em mà thôi.
Đọc xong bản cam kết này, một vị phụ huynh thích nói đùa đã nhận xét: “Tôi phục trường Phương Liên quá, chắc các thầy cô biết bọn trẻ này lớn lên thể nào cũng hư hỏng sa đọa, thế nên cấm trước đi là vừa, gọi là chặn ý định làm việc xấu ngay từ trong trứng nước”.
Sau các cảm giác sốc, ngã ngửa, cười ra nước mắt, là đến một chuyện rất đáng để băn khoăn. Đó là theo thông tư 30 có hiệu lực từ 15/10 vừa được Bộ GD-ĐT ban hành, cuối học kỳ I và cuối năm học, giáo viên chủ nhiệm sẽ hướng dẫn cả lớp bình chọn những học sinh đạt thành tích nổi bật hay có tiến bộ vượt bậc về một trong ba nội dung: Học tập, phát triển năng lực, phát triển phẩm chất.
Danh sách này sau đó sẽ tham khảo ý kiến cha mẹ học sinh và tổng hợp đề nghị hiệu trưởng nhà trường tặng giấy khen hoặc cấp trên khen thưởng.
Bình thường như mọi năm học trước, nhà trường sẽ căn cứ vào điểm số kết quả học tập của học sinh tiểu học để xét danh hiệu và tặng giấy khen cho học sinh. Thế nhưng nay theo cách làm mới này, danh hiệu sẽ được quyết định dựa vào hình thức bình chọn.
Nghe thì cũng có vẻ rất mới mẻ đấy, nhưng với tư cách là một phụ huynh có con đang học tiểu học, tôi cứ thấy lo lo thế nào. Liệu con cái của chúng tôi đã đủ nhận thức để bình chọn cho nhau hay chỉ làm theo cảm tính, con thích bạn này thì con bầu, con ghét bạn kia nên con không bầu.
Rồi cha mẹ học sinh cũng được kéo vào cuộc bầu chọn này nữa, tôi làm sao mà biết con nhà bà A ông B học hành thế nào, chi bằng tôi cứ bầu cho con tôi là chắc nhất. Thế rồi kết quả sẽ ra sao?
Thôi, lo thì cứ lo thế thôi, thông tư của Bộ đã ban hành rồi, nhà trường và phụ huynh cứ thế mà làm theo, sai đâu chúng ta sẽ rút kinh nghiệm đến đấy. Nhưng càng ngày tôi càng thấm thía câu nói của Bộ trưởng Bộ GD- ĐT Phạm Vũ Luận: “Tôi coi đổi mới giáo dục lần này là một trận đánh lớn”.
Đã là trận đánh thì phải có bên địch, bên ta, phải có nghi binh, phải có hầm hào, hố chông, lựu đạn… Đánh qua đánh lại suốt 12 năm học phổ thông và thêm mấy năm đại học, thể nào con cái chúng ta cũng sẽ nên người, nếu chúng may mắn vượt qua được vài đận “thương vong”.
Mi An