Lm. VĨNH SANG, DCCT, đầu tháng 11.2015
Có một sự trùng hợp hữu lý, ngày giỗ của cụ Gioan Baotixita Ngô Đình Diệm, cố Tổng Thống Việt Nam Công Hòa, cùng với bào đệ là cụ Giacôbê Ngô Đình Nhu vào đúng ngày 2 tháng 11 hàng năm. Đây là ngày Giáo Hội Công Giáo dành riêng một cách đặc biệt để kính nhớ và cầu nguyện cho những người đã khuất. Trong những ngày này ( kể từ trưa ngày 1.11 đến hết ngày 8.11 ), Giáo Hội khuyên các tín hữu đến viếng các nghĩa trang, hay nhà đặt hài cốt các tín hữu đã qua đời, để cầu nguyện cho những người đã ra đi trước mình, đặc biệt là những người thân yêu, trong đó cha mẹ, ông bà, tổ tiên… là thành phần ưu tiên số một. Giáo Hôi cũng dành riêng tháng 11 để cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời, và khuyên con cái mình thực hành việc hiếu thảo cụ thể đối với cha mẹ, ông bà, đã khuất bằng lời cầu nguyện và sốt sắng tham dự Thánh Lễ.
Một sự trùng hợp thuận lợi, vì trong những năm tháng khó khăn, những người mến mộ cụ Ngô đã không thể công khai kính nhớ cụ, nhưng đã nương theo kỳ đại lễ này để tưởng niệm và cầu nguyện cho cụ. Trong những năm gần đây, ngay ở trong nước, nhiều người đã bày tỏ lòng kính mến cụ công khai qua việc viếng mộ cụ trong kỳ đại lễ, thậm chí còn tổ chức Thánh Lễ cầu nguyện cho cụ và tưởng niệm cụ ngay tại “nghĩa trang nổi” ( nhà Hài Cốt ) của Giáo Xứ mình. 52 năm, tưởng như các sự thật về cuộc đời và sự nghiệp của một con người đã không còn góc khuất, biến cố lịch sử 1.11.1963 đã phơi bày ra cho moi người nhận biết, và lịch sử đã bắt đầu có những đánh giá trung thực về con người và biến cố.
52 năm qua rồi nhưng những gì xảy ra đối với tôi và hẳn với nhiều người có mặt trong biến cố lịch sử này thật khó phai nhạt. Ngày ấy, cha tôi chỉ là một viên công chức quèn, nhưng nhận nhiệm vụ gác gian ( gardien ) cho một cư xá công chức cao cấp nên được phân cho một ngôi nhà trong cư xá ấy, nhà số 384/50 đường Công Lý. Ở đây tôi được chứng kiến, một ngày cảnh sát dẫn về một tử tù để quay phim dựng lại hiện trường vụ gài bom dự định đánh sập cầu Công Lý, người tử tù này sống ở khu nhà sàn ven kênh Nhiêu Lộc, cũng ở đây tôi chứng kiến những cái gầu xúc bùn ầm ầm chạy cả ngày để xúc bùn dọn mặt bằng xây chùa Vĩnh Nghiêm, ở đây tôi được dạy dỗ giáo lý bởi các sư huynh Dòng Kitô Vua sáng lập trường Sao Mai bên chân cầu Công Lý, ngôi trường này đã dạy dỗ tôi những năm cuối bậc tiểu học với bao nhiêu là tình cảm thân yêu…
Vì sống trong khu cư xá có rất nhiều vị công chức cao cấp, từ ông bộ trưởng bộ Thông Tin Phan Văn Toại đến ông chủ nhiệm tờ báo Dân Chúng ( ngôi nhà đối diện nhà tôi qua một công viên nhỏ, cách đây một năm bị nổ do chứa chất nổ tạo cảnh cho phim ), cha tôi dễ dàng tìm được việc làm cho nhiều người đồng hương lúc chân ướt chân ráo di cư vào Nam.
Khi cuộc đảo chánh nổ ra, rồi tin báo cụ Ngô và ông cố vấn bị giết chết, nhóm người “con ăn đầy tớ” này tụ họp ở nhà tôi. Tôi còn nhớ gương mặt ướt đầm đìa nước mắt của dì Hai, một người đàn bà ở Giáo Xứ Tân Việt, gần nhà dì tôi, được cha tôi lo cho đi làm, gương mặt thẫn thờ của chú Cỏn, người cảnh sát có nhiệm vụ giữ an ninh trật tự cho cư xá, cái hình ảnh ray rứt đứng ngồi không yên của bà Ba, người Sa Đéc mà chúng tôi nhận là bà ngoại trong những ngày tháng đến miền Nam không người thân thích. Họ xầm xì to nhỏ với nhau rồi bảo nhau nguyện kinh cầu cho cụ Ngô, tiếng cầu kinh râm ran khe khẽ như sợ lọt ra ngoài sẽ có hậu quả xấu. Mẹ tôi cứ khóc nức nở mãi nhiều ngày sau vẫn chưa nguôi.
Mấy hôm sau tôi đi học, vào lớp đã thấy khung hình của cụ treo ở giữa lớp phía trên bảng đen bị hạ xuống, người ta xé tan nát hình cụ rồi vứt vào sọt rác. Chú bé ngây thơ trong tôi ngày ấy nhìn quanh rồi nhặt vội mảnh hình con mắt của cụ đem về cất mãi trong ngăn học của mình. Từ ngày đó, mỗi thứ hai chào cờ, chúng tôi chỉ hát Quốc Ca, không hát bài suy tôn Ngô Tổng Thống nữa, tôi cảm thấy hụt hẫng và chán nản. Không biết mãi sau này, tôi đã quen với cái cảm giác thiếu thiếu đó từ bao giờ.
Cha tôi có ba người bạn thân từ thời còn ở Hà Nội: bác Sâm, bác Phụng và bác Bất, họ gặp nhau lại ở giữa Sàigòn sau cuộc di cư 54. Ngày gặp bác Sâm ở công trường Hòa Bình ( công trường Nhà Thờ Đức Bà ), hai người ôm lấy nhau khóc. Bác Sâm làm ở Tòa Phá Án ở đường Hồng Thập Tự ( bây giờ khu đất ấy là nhà hàng cà phê ngay trước nhà Văn Hóa Thanh Niên đường Nguyễn Thị Minh Khai ) nên được phân cho căn nhà phía sau Tòa Phá Án. Bác Phụng thì làm cho Tòa Đại Sứ Pháp ( bây giờ là ngôi nhà của Tòa Lãnh Sự Pháp ở Sàigòn ), mỗi lần đi thăm bác thì nhiêu khê lắm vì phải qua cửa an ninh. Còn bác Bất thì ra Nhà Trang mở tiệm phở ở chợ Đầm.
Cha tôi cũng có hai người bạn thân trong quân ngũ, ông thượng sĩ Duyệt nhà ở Hòa Hưng, trước cửa nhà có cái giếng, bọn trẻ chúng tôi thường ra đó chơi vì nó rất mát dưới tàn cây lớn, và ông thượng sĩ Trê nhà ở Giáo Xứ An Lạc, trước cửa nhà có cây vú sữa xum xuê. Tất cả những người này đều không phải Công Giáo, trừ gia đình ông Trê. Tôi dài dòng như vậy để muốn chia sẻ rằng không chỉ những người Công Giáo mới mến mộ cụ Ngô. Ngày ấy, mỗi chiều thứ bảy hoặc Chúa Nhật, cha tôi dẫn chúng tôi đi chơi thăm nhà bạn bè, câu chuyện về cụ Ngô được người lớn ôn lại với nhau trong nghẹn ngào nước mắt, bọn con trẻ chúng tôi lẳng lặng im nghe.
Sau này qua một số tài liệu, người ta nói rằng các tướng lãnh đảo chánh đã đánh lừa binh sĩ dưới quyền, họ nói với binh sĩ rằng về thủ đô để giải vây cho Ngô Tổng thống, họ sợ nói là đảo chánh thì binh sĩ sẽ bất tuân lệnh, may cho họ là cuộc đảo chánh gần như không có tiếng súng, vì Ngô Tổng Thống đã lặng lẽ ra đi ẩn mình ở Nhà Thờ Cha Tam trong Chợ Lớn, rồi ngày hôm sau, vừa dự Thánh Lễ sáng xong, đã gọi điện thoại nộp mình chịu chết, nếu cụ quyết tâm phản ứng thì chưa biết cục diện sẽ ra sao vì rất đông binh sĩ yêu mến và biết ơn cụ.
Cũng qua tài liệu đã tiết lộ, nhóm đảo chánh rất hèn, cái hèn giết người khi người ta đã đầu hàng, giết những người bị trói thúc ké hai tay bằng những nhát dao độc ác rồi kết thúc bằng những viên đạn súng lục, cái hèn của sự trả thù khi đạt được chiến thắng, tất cả nhân viên guồng máy hành chánh và quân sự của cụ đều bị trả thù, tài liệu đã kể nhiều lắm nhưng tôi chỉ xin kể những trường hợp rất cụ thể mà tôi biết.
Có hai người họ hàng nhà tôi là hai người trong nhóm cận vệ của cụ, sau ngày đảo chánh, hai ông bị chuyển ngay ra đơn vị tác chiến, vài tháng sau cả hai đều tử trận, cái chết bí hiểm để lại nỗi đau nhức nhối cho hai gia đình. Ông Rong nhà ở đường xe lửa cổng số 6, Giáo Xứ Bùi Phát, và ông Thảo nhà ở cư xá Kiến Thiết, đường Huỳnh Quang Tiên, nay là đường Đặng Văn Ngữ, Giáo Xứ Đa Minh, Ba Chuông. Đến như cha tôi, một viên tùy phái quèn kiêm gác gian cư xá, chỉ nửa năm sau ngày đảo chánh 1.11, chúng tôi bị đuổi nhà, anh em chúng tôi bồng bế nhau về đường Nguyễn Huỳnh Đức, nay là Huỳnh Văn Bánh, mua một mảnh đất sình lầy bên dòng kênh Nhiêu Lộc. Tôi không bao giờ quên ngày theo các anh đi nhận đất, miếng đất sình người ta còn đang trồng giàn mướp nở hoa vàng rực dưới nắng sớm. Tôi lớn lên bên dòng kinh ấy rồi chứng kiến bao đổi thay của đất nước và thành phố này những năm 70 cho đến hôm nay.
Các "hèn tướng" sau khi giết được cụ Ngô, chia chác gia sản mà cụ và những người cộng tác đã khổ công gầy dựng suốt 9 năm nền Đệ Nhất Cộng Hòa, họ chỉ lo bôi nhọ cụ và chế độ cũ, lo xóa dấu vết của cụ đã xây dựng, lo chứng minh rằng cụ sai, họ không đủ đức độ và tài năng để hy sinh như cụ, họ chỉ biết thỏa mãn cơn khát khao quyền lực, tiền bạc và địa vị, họ tìm cách hưởng thụ, không làm nên cơm cháo gì mà còn xé nát tất cả, từ một “Việt Nam minh châu trời Đông”, hôm nay, sau 52 năm thành một đất nước tụt hậu, kém xa cả những nước chậm phát triển nhất trên thế giới.
Có người nói với tôi, cụ Ngô là người đạo đức tốt lành nhưng cụ không có tài, cụ không xây dựng được cho mình một lực lượng khả dĩ đủ để bảo vệ mình, tôi nghĩ nhận xét đó không đúng lắm. Chỉ trong vòng 9 năm mà cụ bình định được đất nước, thu phục được các giáo phái, các lực lượng vũ trang, dẹp yên được giặc Bình Xuyên, xây dựng đất nước đi lên, thì chẳng thể nào là người không có tài mà chỉ có đức. Có lẽ phải nói, cụ là người có tài có đức nhưng không một chút gian ác và xảo quyệt, thiếu mưu mẹo và lưu manh, cuối cùng cụ chết vì tất cả những thứ xảo quyệt lưu manh ấy. Còn đám đông, y hệt như đám đông thời Chúa Giêsu, hôm nay tung hô, ngày mai hạ bệ, và đó là định mệnh của những ai chọn con đường theo chân Chúa.
Rất nhiều nơi trên thế giới này đã tổ chức ngày lễ tưởng niệm cụ như một ngày lễ của người anh hùng vị quốc vong thân. Tôi nghĩ cũng chính đáng thôi, đất nước quê hương này phải có một ngày như vậy, rồi sẽ có một ngày như vậy...
Lm. VĨNH SANG, DCCT, đầu tháng 11.2015