Ngày 14-03, ông Nguyễn Sinh Hùng, chủ tịch quốc hội Việt Nam đã đến Ba Lan. Trước khi đến thăm Ba Lan, ông đã thăm nước Nga và Cộng Hòa Liên Bang Đức.
Giữa mùa đông lạnh giá của đông Âu, những nhà “lập pháp xã hội chủ nghĩa”lội mưa tuyết để thăm nhưng quốc gia hậu cộng sản này, chắc phải có mục đích gì cấp thiết lắm.
Quan sát, học hỏi cách hoạt động của các quốc hội gồm nhiều đảng phái chăng?
Tìm hiểu quá trình soạn thảo và thông qua hiến pháp của các quốc gia hậu cộng sản?
Chặng dừng chân đầu tiên của ông là nước Nga. Tại đây chế độ xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới đã sụp đổ, đảng Cộng Sản Liên Xô – thành trì của phong trào cộng sản thế giới – đã tan rã thảm hại, bỏ lại các đảng cộng sản anh em như rắn không đầu.
Đảng Cộng Sản Nga sau 20 năm thành lập, trong các lần tranh cử đã đưa ra nhiều chính sách mị dân, nhưng chưa bao giờ thắng cử. Đa số nhân dân Nga vẫn nói „không” với chế độ cộng sản. Hiện nước Nga và cả thế giới tìm thấy thêm các chứng cứ tội ác chưa hề được công bố của nhà độc tài cộng sản khét tiếng Stalin. Nhân dịp 60 năm sau cái chết của kẻ độc tài, báo chí, dư luận, các nhà sử học Nga và thế giới…đưa ra những số liệu về tội ác của Stalin , để ngăn chặn sự lặp lại của lịch sử. Stalin phải trực tiếp hoặc gián tiếp chịu trách nhiệm về cái chết của khoảng 20 triệu người Nga và các nước thuộc Liên Xô cũ. Đó là tội ác ghê tởm đối với loài người.
Có lẽ bài học mà ông Nguyễn Sinh Hùng nên học ở Nga là đảng cộng sản nên chấp nhận sự tồn tại của các đảng đối lâp khác nhau. Còn bài học lịch sử rất đáng để những nhà lập pháp Việt Nam suy ngẫm: chính những đại biểu xô viết trước đây, giống như những ông „nghị gật”của quốc hội Việt Nam hiện nay, đã không kiểm soát được quyền lực, để ĐCS Liên Xô trở thành một đảng độc tài và Stalin trở thành tên đao phủ với quyền lực không giới hạn.
Đến Cộng Hòa Liên Bang Đức, nhìn nước Đức thống nhất sau sự sụp đổ của nước Cộng Hòa Dân Chủ Đức, không biết ông chủ tịch có suy nghĩ gì về sự tương đồng lịch sử giữa Đức và Việt Nam. Cả hai nước đều bị chia cắt. Nhưng nước Đức thống nhất không cần đến súng đạn và bạo lực, sau thống nhất, không có „bên thắng cuộc”. Còn Việt Nam chúng ta, 3 triệu người đã nằm xuống. Sau hơn 30 năm thống nhất, „bên thắng cuộc ” vẫn ép buộc nhân dân xây dựng một xã hội mà chính họ cũng không biết hình hài của nó. Xã hội Việt Nam hiện tại là một xã hội thật đáng lo ngại : nền kinh tế suy thoái, giáo dục, y tế xuống cấp, tham nhũng phát triển trở thành quốc nạn, nạn mua quan bán chức trở thành phổ biến, tội ác gia tăng, một xã hội vô cảm trước những đau khổ của con người. Vì vậy, yêu cầu thay đổi xã hội Việt Nam là một yêu cầu cấp thiết. Đảng Cộng Sản Việt Nam (ĐCSVN) phải chịu trách nhiệm trước hiện tình của đất nước.
Đến Ba Lan, ông sẽ được chứng kiến những đổi thay to lớn của xã hội sau hơn 20 năm chuyển đổi từ chế độ độc tài cộng sản, sang chế độ tự do dân chủ.
Từ một nền kinh tế mất cân đối, hiện nay Ba Lan trở thành nền kinh tế thứ 6 trong Liên Minh Châu Âu (EU), thứ 20 trên thế giới. Ba Lan là một thành viên của khối quân sự NATO, an ninh quốc gia được đảm bảo, người dân được sống trong tự do hạnh phúc, quyền con người được tôn trọng và bảo vệ thật sự.
Chúng tôi, những người Việt Nam quan tâm tới tình hình đất nước, được chứng kiến sự sụp đổ của chế độ độc tài cộng sản ở Ba Lan và đông Âu, nhìn thấy rất rõ ràng: Đảng Cộng Sản Việt Nam đang đi vào vết xe đổ của Đảng Công Nhân Thống Nhất Ba Lan (Đảng CNTN Ba Lan- đảng cộng sản) và các đảng cộng sản khác của đông Âu cách đây hơn 20 năm. Đảng CNTN Ba Lan cũng đã đàn áp những người bất đồng chính kiến, bỏ tù hàng ngàn người dám nói lên những sai trái của đảng, cũng gán cho họ những tội danh tương tự như Đảng CS Việt Nam đang làm hiện nay.
Công Đoàn Đoàn Kết (C Đ Đ K – SOLIDẢRNOSC ) Ba Lan là phong trào phản kháng của toàn xã hội đối với một chế độ độc tài, bất lực trước những yêu cầu thay đổi của toàn xã hội,
Nhưng Đảng CNTN Ba Lan đã hành động có trách nhiệm trước dân tộc Ba Lan và lịch sử. Họ đã nhận ra vai trò lịch sử của họ đã hết, Thay vì tiếp tục đàn áp C Đ Đ K, họ đã ngồi vào bàn đàm phán và thương lượng . Hội Nghị Bàn Tròn bao gồm Đảng CNTN Ba Lan, C Đ Đ K và các thành phần khác của xã hội đã diễn ra từ ngày 06-02 đến 05-04-1989. Hội nghị đã thỏa thuận chuyển đổi Ba Lan sang thể chế tự do dân chủ. Lần đầu tiên, sau gần nửa thế kỷ cầm quyền của đảng cộng sản, cuộc bầu cử tự do với nhiều đảng phái tham gia đã được tổ chức vào ngày 04-06-1989, C Đ Đ K đã thắng cử . Tháng 09-1989, chính phủ không cộng sản đã được thành lập, mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc Ba Lan.
Lịch sử thật trớ trêu, trong ngày mai hoặc ngày kia, Tổng thống Ba Lan ông Bronislaw Komorowski và chủ tịch thượng viện ông Bogdan Borusewicz sẽ tiếp ông Nguyễn Sinh Hùng . Cả hai ông B. Komorowski và B. Borusewicz đều bị tòa án của chế độ cộng sản Ba Lan bỏ tù vì tham gia hoạt động đòi hỏi dân chủ. Trong buổi tiếp, có thể họ sẽ nhắc nhở ông Nguyễn Sinh Hùng về số phận của các tù nhân lương tâm của Việt Nam đang thụ àn trong các nhà tù cộng sản. Ông là người đứng đầu ngành lập pháp của một quốc gia cộng sản, trước những chính khách đã từng sống dưới chế độ cộng sản, bị đàn áp và tù đầy, hiểu rất rõ về chế độ cộng sản, liệu ông có đủ can đảm để trả lời là Việt Nam không có tù nhân chính trị, không có tù nhân lương tâm?
Dân gian Việt Nam có câu: “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Chuyến đi của ông Nguyễn Sinh Hùng kéo dài hơn 10 ngày, đến những vùng đất, vùng dân có rất nhiều điều để học, để quan sát, suy nghĩ để chọn lọc, mang về cho áp dụng cho Việt Nam. Không biết trong cái „túi khôn” thu lượm trong chuyến đi của ông đầy, vơi hay trống rỗng ?
Warszawa 15-03-2013
© Đàn Chim Việt