Sáng 26/10, ông Nguyễn Chua đã tử nạn khi đu dây qua sông Krông Ana, đoạn chảy qua thôn 6, xã Hòa Lễ, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk dài khoảng 100m.
Ngoạn mục không ?
Dũng cảm không ?
Cái hệ thống đại biểu cho dân quá đầy đủ từ xã lên đến trung ương: Hội đồng Nhân dân (HĐND) xã, HĐND huyện, HĐND tỉnh lên đến Quốc hội. Mỗi năm hai ba bốn lần đại biểu các cấp tiếp xúc cử tri, xem ra có vẻ đi sâu đi sát, quan tâm đến dân, nhưng nhìn những hình ảnh dân phải đu dây qua sông như trên và tình trạng cô giáo, học sinh phải chui vào bao ni-lon kéo nhau qua sông ở miền núi phía bắc trước đây thì như không có cái HĐND hoặc đã bị nhiễm H5N1 (!)
Các vị đại biểu HĐND xã Hòa Lễ chẳng lẽ hàng ngày chui rúc trong nhà nên không thấy dân phải đu dây qua sồng năm này qua năm khác ? HĐND huyện Krông Bông, HĐND tỉnh Đắc Lăk chẳng lẽ cả năm không họp không kiểm tra các địa phương nên không biết tình trạng dân khốn khổ như thế ? Chẳng lẽ cái tổ chức HĐND sinh ra để hưởng kinh phí cấp trên rót xuống mà không làm gì, chỉ ngồi chơi xơi nước hay sao ? Vậy mà trước đây Quốc hội đã bàn lên bàn xuống việc nên bỏ bớt cái HĐND đi, nhưng rồi vẫn để ăn tốn của dân ! Còn Quốc hội, mỗi năm họp vài ba lần, mỗi lần hàng tháng, tiêu tốn hàng tỷ đồng, có bao giờ nghe đại biểu Quốc hội của tỉnh Đắk Lăk phản ánh tình trang dân phải đu dây qua sông chưa ? Đã bao giờ nghe đại biểu Quốc hội của tỉnh Điện Biên phản ánh dân phải chui vào bao ni-lon kéo nhau qua sông chưa ? Hay tất cả đều là nghị gật, nghị ấn (nút) ? Và, có những vị ngồi lâu ngứa ngáy sinh trêu ghẹo nhau, kiện cáo nhau, rồi xin lỗi nhau làm trò cười cho thiên hạ (!)
Các người nên biết rằng, kinh phí quốc gia đài thọ cho hệ thống dân biểu là mồ hôi, công sức và cả xương máu của dân đấy ! Trên thế giới chưa có Quốc hội nước nào họp mỗi kỳ hàng tháng trời như Việt Nam, chưa có nước nào luật được phê chuẩn, ban hành kỳ trước thì kỳ sau lại sửa đổi như Việt Nam ! Phải chăng đó là cái cớ để các người kéo dài kỳ họp ? Các người có thấy tình trạng kinh tế của đất nước trên đà tụt dốc ? Có thấy nợ công tăng vùn vụt, mà “Chúa Chổm” là những con cháu chúng ta mấy đời sau phải “còng lưng kéo cày trả nợ” !
Các người nên biết xấu hổ khi nhìn thấy những hình ảnh đau lòng trên đây và nhiều nhiều hình ảnh như rứa đang tồn tại và phát sinh trên dải đất hình chữ S “tự hào” và đau đớn này ! Đừng như Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ, Điện Biên Lò Văn Khang nói cô giáo, học sinh và người dân chui vào bao ni-lon kéo nhau qua sông ở Nậm Pồ là “chuyện bình thường” ! Người viết bài này không trách vị quan huyện vô tri vô cảm, chỉ thương ông ta vì quá say sưa tự hào với truyền thống, lạc quan tếu với thành tích hão trên những trang báo cáo mà để dân sau 40 năm sống trong hòa bình vẫn khổ.
09-11-2014
Nguồn: http://lekhasy.blogspot.com