ĐỨC PHANXICÔ – 1 NĂM TRÊN NGAI GIÁO HOÀNG
Năm 2013 đánh dấu một sự kiện lớn hiếm có của Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ là việc Giáo Hoàng Bênêđictô XVI từ nhiệm tháng 2 năm 2013, và sau đó mật nghị Hồng Y đã bầu ra Giáo Hoàng kế nhiệm thứ 266 của Giáo Hội Công Giáo.
Đó là Hồng Y Jorge Mario Bergoglio của Argentina với tước hiệu Phanxicô. Tân Giáo Hoàng 76 tuổi, đã từng bị cắt một thùy phổi năm 21 tuổi. Kể từ ngày đăng quang 13.3.2013 đến nay đã tròn 1 năm, Giáo Hoàng Phanxicô cai quản Giáo Hội Công Giáo với 1,2 tỷ tín đồ trên cương vị Giáo Hoàng.
Ấn tượng đầu tiên của Giáo Hoàng Phanxicô đối với thế giới mà tờ Le Figaro gọi là “fenomena” ( hiện tượng phi thường ) đó là phong cách gần gũi giản dị, dễ gần dân chúng của vị tân Giáo Hoàng. Báo chí đã dành nhiều bài để nói về Giáo Hoàng Phanxicô không đi xe Limousine mới, biển ưu tiên của Vatican mà vẫn đi chiếc xe cũ, vẫn ở căn nhà trọ Santa Matta và trực tiếp trả tiền trọ chứ không phải ở biệt thự cao cấp dành cho Giáo Hoàng trong Tòa Thánh Vatican.
Như vậy Giáo Hoàng Phanxicô vẫn giữ phong cách sống đạm bạc như hồi còn làm Tổng Giám Mục Buenos Aires ở Argentina, ngài vẫn ở trong khu nhà chung cư 2 phòng, tự đốt lò sưởi trong mùa đông chứ không dùng điều hòa, không ở biệt thự của Tổng Giám Mục, vẫn đi xe bus hàng ngày và vẫn tự nấu ăn lấy.
Tại Buenos Aires có khu ổ chuột, ngài vẫn đến đây với họ nên khi ngài lên ngôi Giáo Hoàng, họ gọi ngài là “Papa Villero” ( Giáo Hoàng ổ chuột ). Ngài trực tiếp gọi điện thoại cho người đặt báo ở quê xin cắt báo hàng ngày hay gọi điện cho Trung Tâm Trẻ Mồ Côi ở Argentina rằng lễ Noel năm nay không thể về vui chung với các trẻ em như thường lệ vì bận việc ở Vatican. Ngài cũng gọi điện báo cho bạn bè và gia đình ở Argentina là không nên đi Italia để dự lễ tấn phong của mình, để tiền đó mà ủng hộ các trẻ em khuyết tật…
Ngày lễ tấn phong Giáo Hoàng, ngài từ chối đội vương miện, đeo nhẫn vàng, đi giày đỏ như các vị tiền nhiệm mà vẫn dùng trang phục cũ, chỉ khác chiếc khăn choàng trắng trên vai. Lễ Rửa Chân năm 2013, ngài quỳ gối hôn chân cho 12 trẻ em ở nhà tù Casal del Marmo, Italia hay ôm hôn người bị u bướu gây xúc động cho báo giới. Khi dự Ngày Giới Trẻ ở Rio Janeiro, Brazil, ngài cũng không ngồi xe chống đạn làm an ninh lo lắng, để có cơ hội được bắt tay với nhiều người. Ngài ủng hộ 3,6 triệu euro tiền thiếu hụt khi Ban Tổ Chức Ngày Giới Trẻ ở Brazil báo lại.
Dư luận cũng lo lắng, sẽ có khó xử giữa Giáo Hoàng đương nhiệm và vị đã nghỉ hưu, nhưng xem chừng điều đó đã không xảy ra. Hai vị vẫn tôn trọng và yêu quý lẫn nhau. Khi chưa đăng quang, Hồng Y Brazil, Clausisco Hummes, bạn ngài đã nói: Đừng quên người nghèo nhé và ngài đã nhớ ngay vị Thánh nghèo khó nên nhận danh hiệu Giáo Hoàng là Phanxicô.
Sinh nhật lần thứ 77 của ngài, ngài chọn cách dùng bữa tối với một số người vô gia cư ở Rôma. Nhưng chính sự gần gũi, giản đơn của ngài đã ghi điểm trong dân chúng. Tạp chí Esquire, chuyên về thời trang đã chọn ngài làm nhân vật thời trang nhất trong năm 2013. Ngài đã vượt lên trên cả các nghệ sĩ điện ảnh Holywood lấp lánh thời trang hàng hiệu.
Chỉ 9 tháng ở ngôi Giáo Hoàng, Đức Phanxicô đã được tạp chí Time bình chọn là nhân vật xuất sắc của năm 2013. Ông Nancy Gibis, Tổng Biên Tập tạp chí Time cho biết, đây là vị Giáo Hoàng thứ ba được Time bình chọn kể từ năm 1927. Trước đó đã có Giáo Hoàng Gioan XXIII, người đã khởi xướng Công Đồng Vatican 2 với tinh thần canh tân đổi mới, và Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 đã góp phần xóa bỏ thế giới lưỡng cực. Còn Giáo Hoàng Phanxicô là một Giáo Hoàng Perestroika ( cải tổ ).
Quả thật, Giáo Hoàng Phanxicô đã bắt tay cải tổ Giáo Hội. Trước hết là từ bộ máy nặng nề ở Vatican. Ngài bổ nhiệm Tổng Giám Mục Pietro Parolin làm Quốc Vụ Khanh thay cho Hồng Y T. Bertone. Ngài chọn 8 Hồng Y từ 5 châu lục để lập Ban Cố Vấn giúp ngài quản trị Giáo Triều. Ban Cố Vấn đã họp 2 phiên và sẽ trình phương án cải tổ giáo triều trong năm 2014. Quốc Vụ Khanh trước đây được coi như Thủ Tướng Vatican, nay chỉ là văn phòng của Giáo Hoàng.
Vấn đề tài chính của Tòa Thánh, trước đây khá tai tiếng. Ngài thay đổi người quản trị. Rồi ngài chọn 8 chuyên gia là Giáo Dân giúp điều hành. Ngài đã chọn 19 Hồng Y đầu tiên dưới triều đại của mình nhưng không có người Hoa Kỳ như trước mà thay bằng đại diện các nước nghèo hay vùng đất của Hồi Giáo như Haiiti, Mindanao… Trong thư gửi các Hồng Y trước ngày tấn phong, ngài viết: “Tước vị Hồng Y không có nghĩa là thăng chức, cũng không phải là một vinh dự hay một sự tô điểm, đơn giản chỉ là một đòi hỏi quý vị phải mở rộng tâm hồn và trái tim của mình”.
Ngài phê bình nặng lời lối sống sa hoa, lãng phí của hàng Giáo Sĩ. Ngài nói, ôtô, điện thoại chỉ là phương tiện để làm việc nên Giáo Sĩ không nên sắm những thứ đắt tiền và khi mua sắm nên nghĩ đến người nghèo. Sau lời cảnh báo này, không ít Linh Mục phải đổi xe cũ hơn, rẻ tiền hơn. Ngài cũng cách chức Giám Mục Giáo Phận Limburg, Đức vì tội hay sắm sửa và xây dựng hoang phí, cách chức Tổng Giám Mục J. Wesolowski đang là sứ thần Dominica vì cáo buộc lạm dụng tình dục. Hồng Y bảo thủ người Hoa Kỳ là Raymond Burke và Hồng Y Mauro Piacenza cũng không được bổ nhiệm lại.
Ngài chỉ trích nặng lời cách ứng xử của hàng Giáo Sĩ quan liêu khi người phụ nữ ngoại tình đưa con đi rửa tội đã bị từ chối. Ngài nói, đứa trẻ gia nhập Giáo Hội đâu cần khai lý lịch. Đó là thứ “mục vụ dịch vụ” và Giáo Hội không chấp nhận thứ dịch vụ ấy. Ngài tố cáo những tệ nạn xấu hổ trong hàng Giáo Sĩ nhất là nạn ấu dâm. Ngài nói: “Thật là ô nhục cho Giáo Hội. Chúng ta xấu hổ vì những scandal, những chiến bại của các Linh Mục, Giám Mục, Giáo Dân. Lời Chúa trong các scandal ấy thật khó thấy. Họ có quan hệ với Thiên Chúa. Họ có một địa vị trong Giáo Hội, có quyền lực thoải mái, nhưng Lời Chúa thì không có”.
Ngài bãi bỏ tước hiệu Đức Ông. Trước đây, tước hiệu này có tới 16 cấp, đời Đức Phaolô VI chỉ còn 3 cấp, nay ngài chỉ còn giữ 1 cấp nhưng cũng không ban cho các Linh Mục tuổi quá 65.
Khi chiến tranh ở Syria cận kề, ngài kêu gọi thế giới hãy chặn đứng cuộc chiến này, Giáo Hội Công Giáo lấy ngày 7.9.2013 là ngày ăn chay, cầu nguyện cho hòa bình ở đất nước đã quá đau khổ vì nội chiến dai dẳng làm 100 ngàn người thiệt mạng và 10 triệu dân nước này phải trốn chạy, tha hương.
Thông điệp đầu tay của ngài có tên Evangelii Gaudium ( Niềm vui Phúc Âm ) dài 5.000 chữ nhưng mang đầy tinh thần cải cách hiếm có như Hiến Chế Gaudium et Spes ( Vui mừng và Hy vọng ) của Công Đồng Vatican 2 cách đây 50 năm. Tinh thần đi với người nghèo và hội nhập văn hóa của Thông Điệp rất rõ ràng: “Một Giáo hội có đôi bàn tay lấm láp vì giúp đỡ người nghèo và người bị áp bức… Chúng ta không thể đòi hỏi những người ở mỗi lục địa trong việc diễn tả Đức Tin Kitô Giáo của họ bằng việc bắt chước các hình thức diễn tả mà các nước Châu Âu đã phát triển tại một thời điểm nào đó”. Chính vì vậy, ngài cũng bị soi mói, chỉ trích. Ông Ruch Limbaugh – một nhà bình luận chính trị Italia viết: “Thật đáng buồn về vị Giáo Hoàng này làm cho chúng ta thấy rõ ràng rằng, ông ta không biết gì về những điều khi ông ta nói đến chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội. Đây là chủ nghĩa Mácxít tinh ròng thoát ra từ miệng Giáo Hoàng”.
Giáo Hoàng Phanxicô có cách tiếp cận giới truyền thông gần gũi hơn. Ngày ra mắt báo chí đầu tiên trong cương vị Giáo Hoàng, ngày 15.3.2013, ngài gặp 5.000 nhà báo mà không dùng diễn văn soạn sẵn mà trò chuyện với họ. Đi dự Ngày Giới Trẻ ở Brazil về, ngài họp báo ngay trên máy bay. Có những vấn đề nhạy cảm như kết hôn đồng tính hay ly hôn, phá thai… Các nhà báo hỏi thái độ của ngài ? Ngài bảo: “Nếu ai đó là người đồng tính, nhưng biết tìm kiếm Chúa và có thiện chí, thì tôi là ai mà dám phê phán”. Đã có 907 tờ báo trích câu nói này nhưng chỉ có 305 tờ là trích đầy đủ còn lại là cắt xén chỉ có câu cuối gây tranh cãi trên dư luận.
Ngài lập tài khoản Tweeter của mình và thường xuyên có 11 triệu người theo dõi, đông gấp 4 lần vị tiền nhiệm. Một nhà truyền thông ở Vatican nhận xét, mỗi một tweet ( tin nhắn ) của ngài ảnh hưởng tới 60 triệu người. Bưu điện quốc gia nhỏ xíu Vatican, mỗi ngày tiếp nhận 2.000 lá thư gửi đích danh Giáo Hoàng Phanxicô, đấy là chưa kể email. Nhiều người ghi cả số điện thoại riêng, hy vọng sẽ có ngày được Giáo Hoàng trực tiếp gọi điện thoại tới. Ngày Lễ Tình Nhân 14.2.2014, ngài đã gặp gỡ 30.000 bạn trẻ ở quảng trường Thánh Phêrô và trả lời các câu hỏi của các cặp hôn nhân với cách trả lời hóm hỉnh, trẻ trung.
Tờ Wall Street Journal và kênh truyền hình NBC đã thăm dò ý kiến dư luận hôm 11.12.2013, cho biết, có 88% người Hoa Kỳ có ấn tượng tích cực với Giáo Hoàng Phanxicô. Tờ Washington Post và hãng truyền hình CNN cũng cho biết, hiện nay có 64 % người ủng hộ Công Giáo. Từ trước tới nay, số liệu cao nhất chỉ là 62%. Từ khi Giáo Hoàng Phanxicô đăng quang, lượng người đổ về Vatican cũng đông hơn. Những buổi tiếp kiến chung thứ tư hàng tuần có từ 60 – 100 ngàn người tham dự, đông gấp 4 lần trước đây. Cơ quan du lịch Vatican cho biết, lượng khách hành hương tăng gấp 3 lần tức 6,6 triệu lượt người, bất chấp kinh tế thế giới khó khăn.
Đặc biệt, có sự thức tỉnh trở lại của nhiều Giáo hội địa phương trước đây có tiếng là khô khan, nguội lạnh như Tây Ban Nha, Argentina, Anh. Tờ Le Figaro gọi đó là “hiện tượng Phanxicô”. Số Giáo Dân quay trở lại Nhà Thờ tăng 20% và số gia nhập đạo tăng 12%. Rất nhiều trẻ em ở Châu Âu được sinh ra trong năm 2013 đã được đặt tên là Phanxicô. Giám Mục Giovanni d’Ericle cho rằng: chính nhiệt huyết của Giáo Hoàng Phanxicô đã lôi kéo Giáo Dân quay lại Nhà Thờ.
Nếu gõ từ khóa “Pope Francis” ( Giáo Hoàng Phanxicô ) thì nhận được 1,2 tỷ kết quả trên Facebook. Bà Thủ Tướng Đức Angela Merkel, có bố là Mục Sư Tin Lành nhưng cũng tuyên bố mình là “fan” của Giáo Hoàng Phanxicô. Ngoại trưởng Hoa Kỳ Kerry vừa có cuộc gặp với Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh Parolin để chuẩn bị cho cuộc yết kiến của Tổng Thống B. Obama với Giáo Hoàng Phanxicô sắp tới. Dù có hàng 100.000 lá thư gửi đến khuyên ngài đừng gặp Tổng Thống Pháp F. Hollande vì tai tiếng tình ái nhưng ngài vẫn gặp gỡ chứ không tránh né.
Ủy Ban Truyền Thông Châu Âu ngày 13.12.2013 cũng trao giải Truyền Thông 2013 cho Giáo Hoàng Phanxicô. Tạp chí Forbes đã xếp Giáo Hoàng Phanxicô là nhân vật quyền lực nhất thế giới năm 2013 sau nguyên thủ Nga, Mỹ và Trung Quốc.
Tất nhiên, Giáo Hoàng Phanxicô vẫn phải trung thành với những nguyên tắc của Giáo Hội Công Giáo nên nhiều vấn đề chưa thể giải quyết như vấn đề phong chức Linh Mục cho phụ nữ, vấn đề quyền bính Giáo Hoàng… Đúng như Hồng Y Walter Kasper, người Đức, nói: “Một vị tân Giáo Hoàng có thể cải tổ Giáo Hội nhưng ngài không thể sản sinh ra Giáo Hội mới”.
PHT, Hà Nội, Mùa Chay năm 2014
Website của Ban Tôn Giáo Chính Phủ, http://btgcp.gov.vn
( Ghi chú: Ephata có sửa khá nhiều lỗi chính tả và thêm ảnh chụp lấy từ Google )