Vào cuối tháng 1 vừa qua, Liên Hội Sinh Viên Việt Nam vùng Trung Đại Tây Dương (Mid-Atlantic Union of Vietnamese Student Associations), viết tắt theo tiếng Anh là MAUVSA, đã tổ chức Hội Nghị Thăng Tiến (MAUVSA Advance Conference) viết tắt là MAC, kéo dài 3 ngày với chủ đề là Hoạch Định Tương Lai (Mapping Your Routes) tại thành phố Front Royal, Virginia. Khoảng 280 đã tham dự hội nghị này gồm cựu sinh viên và sinh viên Việt Nam đang theo học tại chín trường tại Washington-DC, Maryland, và Virginia. Đó là George Mason University, Georgetown University, George Washington University, James Madison University, University of Maryland at College Park, University of Maryland in Baltimore, University of Virginia, Virginia Commonwealth University, và Virginia Polytechnic Institute and State University (Virginia Tech).
Hình (KQN Images): Chủ Tịch MAUVSA Tuấn Dương thuyết trình tại Hội Nghị Thăng Tiến III tại Front Royal, Virginia, 24-26 tháng 1, 2014.
Để phục vụ mục tiêu của hội nghị, ban tổ chức đã khéo léo chọn ba diễn giảIlryong Moon, Christopher Phan, và Linh Hoàng lần lượt nói về ba đề tài mà những người trẻ khá lưu tâm: “Đơn côi”, “Mộng lớn bắt đầu bằng những bước nhỏ”, và “Vạch đường cho tương lai.” Ba diễn giả đã đưa những thông điệp mạnh mẽ: Ông Moon nhắn nhủ rằng kiên quyết sẽ đưa đến thành công mặc dù ông đã phải tranh đấu cam go không ngừng trong những năm đầu khi gia đình nghèo khó của cha mẹ ông mới đến định cư tại Mỹ. Tuy nhiên ông khuyên các sinh viên Việt Nam cần hội nhập vào xã hội dòng chính. Ông Christopher Phan cũng nhấn mạnh đến sự cần cù và kiên quyết thăng tiến từng bước một đã giúp ông thành công. Ông Linh Hoàng cho rằng phó mặc tương lai cho số phận là sai lầm. Theo Ông Christopher mọi người trong chúng ta đều có tiềm năng để hoạch định và tự tạo ra tương lai của chính mình.
Ngoài ba phần thuyết trình chính, chương trình còn có 10 xưởng học tập mang lại kiến thức thực tế cho tham dự viên. Trong đó có xưởng tham gia vào sinh hoạt cộng đồng; truyền đạt; an toàn cá nhân và tự vệ; người lãnh đạo và khả năng lãnh đạo;đơn tính, lưỡng tính, và biến tính (lesbian, gay, bisexual và transgender); thiết lập mạng lưới và truyền thông xã hội.
Hình (KQN Images): Gần 300 cựu sinh viên và sinh viên Việt Nam tham dự Hội Nghị Thăng Tiến III.
Một điều lợi ích khác về Hội Nghị Thăng Tiến của MAUVSA là nó tạo một cơ hội quý báu cho những người trẻ Việt Nam quen biết những sinh viên của các trường khác.
Phát biểu tại buổi lễ khai mạc, cô Crysta Trần, đồng giám đốc chấp hành của Hội Nghị Thăng Tiến III nói: “Hội Nghị Thăng Tiến giúp tôi móc nối với những thành viên của những hội sinh viên thuộc các trường khác, tạo cho tôi những cơ hội để làm cho tôi khá hơn và làm sống lại ước muốn tham gia vào cộng đồng Mỹ gốc Á châu của tôi.”
Cô Amber Nguyễn, đồng giám đốc chấp hành của Hội Nghị Thăng Tiến III tâm sự: “Tôi sung sướng có mặt ở đây hôm nay để liên kết với những người khác cùng chia sẻ cùng một say mê với tôi và là một thành phần trong một cộng đồng lớn hơn.”
Để đạt được mục tiêu không kém quan trọng này, ban chấp hành của MAUVSA cần vận động thêm cho các sinh viên nhiều trường khác tham dự, không những các đại học cấp tiểu bang mà còn cả các trường đại học cộng đồng địa phương. Trong Hội Nghị Thăng Tiến III, chúng ta không thấy các sinh viên của các trường lớn khác như Catholic University of America, American University, và Johns Hopkins University. Ngoài Maryland, Virginia, và Washington-DC, các tiểu bang khác trong vùng Mid-Atlantic như Pennsylvania, New Jersey, và New York có nhiều sinh viên Việt Nam theo học.
Ông Tuấn Dương, Chủ Tịch MAUVSA hai nhiệm kỳ2013-2015kêu gọi mọi người tham gia vào hội sinh viên Việt Nam, một gia đình của sinh viên Việt Nam. Ông cho đây là một trong những kinh nghiệm quý báu khi việc mình làm ảnh hưởng đến người khác. Về sự cần thiết của sự liên kết Ông Tuấn Dương phát biểu như sau: “Không có sự liên kết với nhau, chúng ta không có thể tận dụng được hết tiềm năng, không tận dụng được hết tiềm năng chúng ta không có thể cùng chia sẻ với nhau những cơ hội, và không có những cơ hội này, những hội sinh viên Việt Nam sẽ không có mặt ở đây hôm nay.”
Hình (KQN Images): Các sinh viên chuẩn bị tham gia vào trò chơi.
Trong hai ngày tham dự hội nghị, tôi nhận thấy việc tổ chức khá chu đáo. Không thấy có một trục trặc nào xẩy ra. Giờ giấc khá nghiêm túc. Đó chính là nhờ sự khéo léo của ban tổ chức, tình thần kỷ luật và sự hợp tác của mọi người. Các sinh viên đã tham dự đầy đủ những buổi thuyết trình và xưởng học tập một cách đứng đắn. Ngoài trời lạnh dưới 32ᵒF và giữa vùng rừng núi, còn có nơi nào ấm áp hơn là trong hội trường.
Tôi có may mắn được tham dự hội nghị này trong hai ngày. tôi nghĩ rằng Hội Nghị Thăng Tiến của MAUVSA là một sinh hoạt của những người trẻ can đảm,năng động,đáng được tán thưởng. Trong thời gian hội nghị, tôi gặp lại bốn người bạn đến làm diễn giảvà một sốtham dự viên của hội nghị mà tôi đã quen biết trong những sinh hoạt của người Việt trong vùng. Nhờ vậy tôi không cảm thấy lạc lõng trong đám người trẻ này. Một phần khác là tôi cũng từng tham gia tích cực vào các hội sinh viên ở Việt Nam và Hoa Kỳ khi du học tại đây. Sinh viên và thanh niên nói chung khắp nơi trên thế giới kể cả ở Việt Nam ngày nay, là lớp người dám hi sinh, luôn luôn là một lực lượng tiên phong cho sự đổi mới, cho tự do, và cho một xã hội tốt đẹp hơn. Do đó tôi nhìn nhận rằng hoạt động thanh niên sinh viên là một hành trình quan trọng.
Người ta nhận thấy ngày càng có sự tham gia của sinh viên Việt Nam vào hội nghị này. Hội nghị Thăng TiếnI vào năm 2012 thu hút được gần 100 người tham dự. Hội Nghị Thăng Tiến II vào năm ngoái có gần 150 tham dự viên. Con số của Hội Nghị III tăng gần gấp đôi. Đó là một khích lệ lớn lao cho những người trẻ và cả tập thể người Việt. Nếu hoạt động cộng đồng bây giờ, họ sẽ lãnh đạo cộng đồng một cách hữu hiệu sau này. Nếu nhìn vào cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại hẳn mọi người đều thấy những người hoạt động cộng đồng có hiệu quả và được kính trọng đều là những người từng hoạt động thanh niên sinh viên từ ngày còn ở bậc trung học hay đại học.
Mục đích của Hội Nghị Thăng Tiến III là để giúp những người trẻ Việt Nam hiểu biết về nguồn gốc văn hóa hầu tăng cường khả năng của mình trong việc hoạch định tương lai. Đa số các tham dự viên ở khoảng 18-25, lớp người Mỹ gốc Việt Nam đầu tiên sanh đẻ ở Hoa Kỳ, nhưng là thế thứ hai so vớithế hệ cha mẹ đến Mỹ sau khi chiến tranh chấm dứt. Những người trẻ này có nguồn gốc Việt nhưng lại biết ít tiếng Việt. Họ dùng tiếng Anh nói chuyện với nhau và tiếng Anh được dùng toàn thời gian tại hội Nghị. “Identity” là một vấn đề hệ trọng. Sống giữa hai nền văn hóa và triết lý khá khác biệt là một thử thách lớn. Va chạm là một vấn đề không thể tránh được. Một là Á đông có khuynh hướng lệ dựa vào tập thể và thiên nhiên, dè dặt, và hướng về quá khứ. Hai là Tây phương có khuynh hướng cá nhân, độc lập, tin tưởng vào khả năng chi phối thiên nhiên, tích cực, và hướng về tương lai. Cả hai nền văn hóa đều có cái hay và cái dở. Giữ cái hay và bỏ cái dở của cả hai nền văn hóa không phải là một điều để chọn lựa tùy ý mà là một sự bắt buộc.
Hình (KQN Images): Các toán sinh viên chuẩn bị tranh tài.
Phần lớn những diễn giả chính của hội nghị và những người điều khiển các xưởng học tập đều là những người trong lớp tuổi 30-50, thế hệ 1.5 biết cả hai ngôn ngữ, nhưng thạo tiếng Anh hơn tiếng Việt. Điều này gợi cho chúng ta một nhận xét. Những người trẻ ngày nay xem ra tin tưởng vào lớp đàn anh đi trước họ khoảng 5-10 năm thay vì thế hệ cha mẹ,với cách biệt về tuổi tác nhiều hơn, ít hội nhập vào xã hội Hoa Kỳ hơn, khó hướng dẫn họ thăng tiến trong xã hội Hoa Kỷ. Tôi cho đây là một quyết định thích hợp. Tuy nhiên đây cũng chỉ là ý kiến cá nhân của tôi.
Học thêm một ngôn ngữ không phải là dễ. Biết thêm một ngôn ngữ rất có lợi trong việc cải tiến nghề nghiệp nhất là trong trường hợp chúng ta ở trong môi trường thương mại quốc tế và ngoại giao. Tôi lưu ý các bạn trẻ rằng phần lớn các trường đại học đều đòi hỏi sinh viên tiến sĩ cần phải thông thạo một ngoại ngữ. Do đó nên trau dồi tiếng Việt. Một ngày không xa, khi Việt Nam có thanh bình và tự do, các bạn trở về thăm quê hương sẽ không hối hận nếu phải nói tiếng Anh với người Việt, cùng giòng giống với mình.
Theo thống kê, trong niên khóa 2012-2013, có khoảng 16,098 sinh viên từ Việt Nam du học tại Hoa Kỳ. Để trả lời câu hỏi của tôi, Ông Tuấn Dương cho biết MAUVSA chưa có một kế hoạch nào cụ thể để chuyên chú vào việc giúp những sinh viên này về phương diện học hành và quan hệ xã hội. Tại mỗi trường, đều có những người sinh hoạt với sinh viên quốc tế. Ông Tuấn cho biết cánh cửa của MAUVSA luôn luôn mở rộng để đón chào tất cả những ai muốn tham gia, cho tất cả những người nào hãnh diện là người Việt Nam và yêu thích văn hóa Việt Nam và cộng đồng của chúng ta.
Ngoài việc tổ chức Hội Nghị Thăng Tiến hàng năm, MAUVSA còn có nhiều hoạt động ích lợi khác như quyên góp để làm những công tác từ thiện thuộc Dự Án Từ Thiện Tập Thể (Collective Philanthropy Project) viết tắt là CPP. Theo đó nhiều hội sinh viên Việt Nam quyên góp tiền cho CPP để làm một việc thiện chung. Vào 2007 MAUVSA giúp $7,000 cho hội từ thiện Catalyst Foundation để giúp trẻ em nghèo tại Việt Nam. Vào 2008, MAUVSA gây quỹ được $7,700 và tặng số tiền này cho Vietnamese Overseas Initiative for Concious Empowerment (VOICE) để giúp người Việt tị nạn. Năm 2009, MAUVSA tặng $5,500 cho VietHope để xây trường học và cấp học bổng cho học sinh ở Việt Nam. Vào năm 2010, Liên Hội Sinh Viên Việt Nam Bắc Mỹ Châu (Union of North American Vietnamese Student Association – UNAVSA) mà MAUVSA là một thành viên, đã quyên góp được $59,529 trong kế hoạch CPP. Số tiền này đã tăng cho Vietnamese American Heritage Foundation (Hội Di Sản Việt Mỹ). Trong ba năm gần đây, MAUVSA qua CPP đã tài trợ cho các tổ chức từ thiện khác là Children of Vietnam; Blue Dragon;Medical, Educational Missions & Outreach;và One Body Village.
Ông Stephen Nguyễn, cựu chủ tịch của MAUVSA, một lần đã phát biểu: “MAUVSA được thành lập bởi một ý kiến là khi tập hợp những cố gắng lại chúng ta sẽ có nhiều tài nguyên để thực hiện những dự án lớn, tạo nhiều ảnh hưởng hơn, và làm những việc cho cộng đồng mà trước đây không có thể làm được.”
Tuổi trẻ thường vô tư, bất vụ lợi,và không có thành kiến. Những người lãnh đạo MAUVSA là những người dấn thân. Hoạt động của MAUVSA thật hữu ích và xứng đáng được mọi người Việt ủng hộ. Theo các sinh viên tham dự, MAUVSA là gia đình, tình bằng hữu, phục vụ cộng đồng, làm việc chung, khám phá văn hóa, vui nhộn …
Nguồn: Đàn Chim Việt
Tags: Người Việt tại Mỹ
2 Phản hồi cho “Hội nghị thăng tiến của sinh viên VN nhắm về tương lai”
Nguyễn Thế Viên says:
Tập hợp cuả các em, cháu trẻ VN ở hải ngoại khiến tôi vui mừng.
Xin chia sẻ với các bạn về ý tưởng “gia nhập dòng chính”. Các bạn đang và sẽ còn sinh sống, phát triển trên quê hương thứ hai. Các bạn có nghiã vụ và quyền lợi với quê hương này. VN chỉ là cố quốc xa xôi. Tuy nhiên, chúng ta tin rằng các bạn trẻ cũng vẫn dành cho VN mối sự quan tâm đặc biệt (nhưng không nên lớn hơn dòng chính). Là những công dân có ảnh hưởng quan trọng trên quê hương thứ nhì, các bạn sẽ yểm trợ hữu hiệu hơn cho đồng bào quê nhà trong công cuộc đấu tranh cho quyền làm người.
Ngoài ra các bạn trẻ hải ngoại hãy gốing như CĐ Do Thái: có thế lực chính trị và kinh tế tại quốc gia cư trú, đồng thời vẫn giữ được bản sắc có chon lọc cuả di sản dân tộc Rồng Tiên. Xin đừng tạo thành các ghetto cô lập mà hãy là salad bowl phối hợp hài hoà trong melting pot!
Thật là trái đạo đức nếu chúng ta đã là công dân hải ngoại (HK, Âu, Úc…) nhưng chỉ khư khư phục vụ, tranh đấu cho VN và chỉ coi hải ngoại là chốn tạm dung, và xấu hổ thay, là con bò sưã để vắt.
Thế hệ thứ nhất cuả người Việt lưu vong sắp qua đi. Di sản để lại cuả họ là gì? Phải chăng, ngoài sự hy sinh cho gia đình và con cái, là nỗi tiếc nuối quá khứ cay đắng, thất bại và chia rẽ!?.
Thế hệ 1.5 và 2 đã sẵn sàng chuẩn bị cho các thế hệ sau chưa?
Nguyễn Thế Viên
Cu Tý says:
HỘI THĂNG TIẾN.
1.
Hội thăng tiến Việt Nam tuổi trẻ,
Hoa Rồng Tiên mạnh mẻ đơm bông.
Lạc Hồng kỳ diệu hương trong,
Bừng bừng khoe nhuỵ ấm nồng vươn lên.
Hội thăng tiến giử bền Hùng chí,
Họ Hồng Bàng linh khí truyền lưu.
Việt Nam vĩnh cửu muôn thu,
Như vòng tay mẹ thương ru vào đời.
2.
Hội thăng tiến vang lời mời gọi,
Tay nắm tay khắp cõi Á Âu.
Trong ngoài Nam Bắc Năm Châu,
Vầy đoàn đâu cánh xây cầu Sông Ngân.
Hội thăng tiến THÂN DÂN khắp chốn,
Trãi rộng lòng từ tốn bên nhau.
Đồng bào nhơn loại một màu,
Cũng con Thượng Đế cho vào thế gian.
3.
Hội thăng tiến trống vang thúc giục,
Dáng Rồng Tiên vi vút vượt bay.
Lạc Hồng kết cánh kỳ tài,
Việt Nam phục hoạt trong ngoài vươn lên.
Sóng Hoàng Trường vang rền uất hận,
Giọng ngư dân căm phẩn nghẹn ngào.
Lấn dần biển đảo LẠ SAO,
Anh hào liệt nữ lòng nào làm ngơ.
4.
Hội thăng tiến thời cơ chuyển hoá,
Cờ DÂN QUYỀN rực choá toàn cầu.
Lên đường kết tụ Năm Châu,
Mần non tuổi trẻ nhiệm mầu vươn cao.
Nguyện PHỤC NGUYÊN một màu Hồng Lạc,
Nhạc Rồng Tiên phục hoạt Nghiệp Hùng.
Hoàng Trường son sắt chí nun,
Bảo toàn nguyên vẹn trùng phùng cõi xưa.
VIỆT NAM !!! Hùng khí có thưà !!!