VRNs (26.03.2014) - Ruhrgebiet, Đức - Uwe Siemon-Netto nguyên là ký giả chiến trường đã từng trực tiếp tham gia cuộc chiến quốc-cộng vừa qua tại nước ta. Khác với một số không ít những phóng viên, bỉnh bút thiên tả và phản chiến, Uwe Siemon-Netto dứt khoát đứng về phía chính nghĩa quốc gia và triệt để bênh vực quân dân Việt Nam Cộng Hoà.
Tác phẩm Đức, A reporter’s love for a wounded people cùng với bản dịch sang Việt ngữ, Tình yêu của một phóng viên cho một dân tộc nhiều đau thương đã được phát hành năm 2013. Khi tái bản, ấn bản Anh ngữ mang một tựa đề còn gây cảm xúc hơn: Triumph of the Absurd. Đức, A reporter’s love for the abandoned people of Vietnam. Ấn bản Đức ngữ, Der Deutsche. Mein Vietnam. Warum die Falschen siegten [Ông Đức. Nước Việt Nam của tôi. Tại sao kẻ dối trá đã chiến thắng] vừa ra mắt giới thưởng ngoạn tại Hội chợ Sách Quốc tế Leipzig vào tháng ba này.
Nhân dịp tác giả có mặt tại Đức quốc, Liên Hội Người Việt Tỵ Nạn tại Cộng Hoà Liên Bang Đức giới thiệu tác giả với Hội Người Việt Tỵ Nạn Cộng Sản Vùng Ruhrgebiet và tiếp tay cùng nhóm bạn trẻ nam nữ thuộc thế hệ thứ hai tổ chức buổi tiếp xúc giữa tác giả và đồng hương Việt Nam vào ngày thứ bảy 22 tháng 3 tại Witten, một thi trấn nằm gần thành phố Dortmund, vùng đại công kỹ nghệ truyền thống của nước Đức. Vì đối tượng chủ yếu là thành phần trẻ sinh ra và lớn lên trên quê hương của Goethe, của Schiller nên ngôn ngữ sử dụng trong phần hội luận là Đức ngữ, chỉ khi rất cần thiết mới có thông dịch hai chiều tại chỗ.
Chúng tôi hẹn đón Uwe Siemon-Netto đến từ Berlin tại nhà ga chính Dortmund. Tất cả có ba người cư trú tại Dortmund và cá nhân tôi đến từ Bonn. Thấy có đến bốn người đón mình, Siemon-Netto đùa giỡn bảo: “Thế này thì cả Sàigòn kéo đến ga Dortmund rồi còn gì?”
Tại Hội trường, buổi sinh hoạt bắt đầu qua nghi lễ chào quốc kỳ và cử quốc ca Đức, bài Deutschlandlied rồi chào quốc kỳ Việt Nam Cộng Hoà nền vàng ba sọc đỏ và đồng hát quốc ca Tiếng gọi Công dân.
Tiếp theo lời chào mừng của vị Hội trưởng Hội Người Việt Tỵ Nạn Cộng Sản Vùng Ruhrgebiet, Dược sĩ Nguyễn Trần Xuân Phong, điều hợp viên trẻ tuổi Vũ Duy Minh Khoa mời tôi phụ trách phần giới thiệu tác giả và tác phẩm.
Tôi nhấn mạnh tinh thần nhân bản của Siemon-Netto, vốn xuất thân là một tín đồ Công giáo, từng tốt nghiệp Thần học. Tôi trình bày đặc điểm của từng ấn bản: 1) Anh ngữ, bản in thứ nhất và bản in thứ hai, 2) Việt ngữ với hai dịch giả Lý Văn Quý và Nguyễn Hiền và 3) Đức ngữ, ra mắt giới độc giả trước tiên tại Đức. Nhân dịp này, dịch giả Nguyễn Hiền được giới thiệu cùng công chúng khán thính giả. So với ấn bản Anh ngữ và Việt ngữ phát hành năm ngoái, bản Đức ngữ ấn loát mỹ thuật hơn, có nhiều hình ảnh hơn và cũng mang một số thay đổi về nội dung, có đoạn mới được thêm vào và cũng có đoạn bị xoá bỏ bớt.
Phân tích ấn bản Đức ngữ, tôi lần lượt trình bày qua chiếu lên màn ảnh một số trích đoạn nguyên văn kèm theo lời bình luận cá nhân.
Tôi đề cập đến các câu chuyện thời sự quá khứ mà Siemon-Netto đã trung thực tường thuật, tôi nêu lên vài sự thật liên quan tới các nhân vật đầu não Việt cộng, tôi nhấn mạnh thái độ thiên vị bất công của một số giáo sư đại học và chính trị gia Đức xuất hiện trong tác phẩm. Ký thác tâm tình yêu thương dân tộc Việt Nam nạn nhân khốn khổ của bàn cờ chính trị quốc tế, Siemon-Netto dõng dạc nói lên tiếng nói công chính của lương tri con người khi tường thuật cuộc chiến quốc-cộng vừa qua mà kẻ tự xưng “giải phóng” đã tận dụng chiến thuật khủng bố, đe dọa, lừa đảo, bịp bợm để gây chết chóc thương tật cho triệu triệu đồng hương, để xua đuổi hàng loạt đồng bào ra biển cả nộp mạng cho giông bão và hải tặc; để giam cầm đày ải vô số quân dân cán chính Miền Nam v.v. song hành cùng một chiến dịch tuyên truyền rộng lớn xuyên tạc chính nghĩa quốc gia. Nhưng nỗi bật hơn cả là chủ đích chí công vô tư của tác phẩm, nó muốn đạp đổ, đánh tan dư luận quen thuộc của giớ truyền thông phương Tây, vốn có xu hướng thiên vị, phản chiến, thân cộng.
Để kết luận, tôi kêu gọi giới trẻ hiện đang theo học hoặc đã tốt nghiệp từ môi trường Trung học Đức hãy cố gắng phát hiện những bằng chứng lệch lạc – nếu thấy có – trong sách giáo khoa sử học dành cho học sinh Trung học Đức liên quan đến cuộc chiến vừa qua của dân tộc chúng ta. Trong trường hợp phát hiện được những trang sách mang nội dung đáng tiếc vừa kể thì giới trẻ có bổn phận phải liên lạc cùng những giới chức hữu quyền và hữu trách Đức như Bộ Đào tạo và Nghiên cứu Liên bang, như Hội đồng các Bộ trưởng Văn hoá Giáo dục cấp Tiểu bang nhằm yêu cầu đính chính.
Đến lượt mình, Uwe Siemon-Netto trình bày mục đích và động cơ thai nghén cưu mang cuốn sách Đức, der Deutsche. Mein Vietnam. Warum die Falschen siegten. Tác giả say mê nói về những cảm nghĩ cá nhân đối trước vận mệnh thảm khốc của một dân tộc bị bỏ rơi một cách quá tàn nhẫn, quá phũ phàng. Hướng về cử tọa hiện diện và dùng các đại danh từ thân mật Ihr, Euch để xưng hô, Siemon-Netto mang tâm tư dàn trải với tập thể khán thính giả về mối thâm tình sẵn sàng thông cảm những đau thương mất mát mà những người đang chú ý nghe mình từng là nạn nhân oan nghiệt. Thỉnh thoảng tác giả lại lật ra đọc lớn vài đoạn trích dẫn. Hội trường đông nghẹt chăm chú theo dõi bài thuyết trình ứng khẩu.
Xen kẽ vào phần giới thiệu và bình sách là bản nhạc Anh là ai, chuyển ngữ tiếng Đức, do nhạc sĩ Ve Sầu đến từ München vừa đệm đàn ghi-ta vửa cất cao tiếng hát. Tiếp đến là giai đoạn nghỉ giải lao. Trong giai đoạn này, khối sách hai mươi bản do Nhà Xuất bản Brunnen Verlag Basel trực tiếp gửi đến Ban Tổ chức được bày bán. Phải nói là đã xảy ra tình trạng gần như tranh giành. Bà con xúm nhau đòi mua sách và chỉ trong chớp mắt, hai mươi quyển sách đã có ngay chủ nhân. Thế là ấn bản Việt ngữ do dịch giả Nguyễn Hiền mang từ Hoà Lan sang liền được đưa ra. Lại một màn hưởng ứng chiếu cố tận tình và trong khoảnh khắc, bốn mươi cuốn sách được tiêu thụ. Lợi dụng thời gian giải lao, độc giả chủ nhân mới của tác phẩm tranh nhau xin chữ ký của tác giả. Đồng thời, nhóm phóng viên truyền thanh báo chí Ruhrnachrichten cũng tiến hành phỏngvấn Uwe Siemon-Netto.
Sau khi nghỉ giải lao, Hội trường chứng kiến phần hỏi đáp giữa khán thính giả và Uwe Siemon-Netto. Những người nêu câu hỏi thuộc cả giới đứng tuổi lẫn giới trẻ tuổi. Tất cả đều là nam giới, chỉ duy nhất có một độc giả thuộc nữ giới rất trẻ, mang dáng dấp học sinh Trung học hơn là sinh viên Đại học. Cháu nêu câu hỏi hết sức thực tế : hiện ở vùng địa phương cháu sinh sống, Hội Liên Hiệp Người Việt toàn Liên Bang Đức đang tiến hành tổ chức những cơ cấu cấp địa phương thống thuộc; vậy trước âm mưu tiếm danh và xâm nhập này, Uwe Siemon-Netto với kinh nghiệm hành nghề truyền thông chống cộng, có thể giúp được gì hay không? Chú thích : tổ chức mệnh danh Hội Liên Hiệp Người Việt toàn Liên Bang Đức là một cơ cấu thân cộng được sự hỗ trợ của các cơ quan ngoại giao Việt cộng. Vị ký giả người Đức hoan nghênh vị độc giả nữ giới duy nhất và chia sẻ mối quan ngại của cháu, đồng thời hứa sẽ vận động môi trường báo chí xuất bản và truyền thanh truyền hình Đức ngữ tiếp tay cùng các tổ chức chống cộng của phe người Việt quốc gia để bảo vệ thế đứng và xác nhận căn cước của cộng đồng tỵ nạn lưu vong Việt Nam.
Anh Hà Quốc Bảo từng thuyết trình cho bạn bè cùng học Trung học về thái độ loan tin thiếu trung thực của môi trường truyền thông truyền hình Đức lúc anh mới mười sáu tuổi. Nay anh đã tốt nghiệp Đại học Y khoa. Chống hai nạng để di chuyển, anh Bảo hỏi Uwe là những người Đức gọi là thuộc thế hệ 68 ngày trước kéo nhau biểu tình hô “Ho, Ho, Ho“ khắp nước Đức nay nghĩ sao khi đối diện với tập thể người Việt lưu vong tỵ nạn đang được tổ quốc của họ cưu mang. Siemon-Netto khen ngợi câu hỏi hay và đúng; ông trả lời rằng đa số những thành phần đó nay đã nhận ra rằng mình sai lầm và biểu lộ thái độ ân hận, thậm chí sám hối, lắm trường hợp rất thành thực.
Bác sĩ Hà Ngọc Minh là người đầu tiên nêu câu hỏi. Ông yêu cầu Siemon-Netto cho biết đã phát hiện ra sự kiện “die Falschen siegten, phe lừa đảo đã chiến thắng“ vào lúc nào? Câu trả lời đến ngay lập tức, không do dự, không dè dặt, không ngập ngừng, không ngần ngại : “Vom Anfang, ngay từ đầu“. Vì trong một cuộc chiến mà bên này đánh không phải để thắng trong khi bên kia đánh chỉ để mà thắng thì thế tất nhiên bọn lừa đảo, lũ ma giáo sớm hay muộn cũng chiếm được thượng phong. Câu hỏi kế tiếp : tại sao mãi hôm nay, gần bốn thập niên sau khi cuộc chiến chấm dứt, tác phẩm về cuộc chiến mới ra mắt giới thưởng ngoạn? Trả lời : đã liều mình xông ra mặt trận đốî diện với tử thần để viết nhiều phóng sự trung thực về cuộc chiến, đã gian truân tranh đấu thậm chí có khi đến mất việc làm để những thiên phóng sự liên hệ được đăng tải; nhưng cần một đoạn lùi thời gian để bình tĩnh khách quan đánh giá hiện thực lịch sử cùng với một thời điểm thích nghi trong cuộc đời bản thân để chấp bút tác phẩm.
Một vị sĩ quan Quân lực Việt Nam Cộng Hoà cựu Tiểu đoàn trưởng Biệt Động Quân xin phát biểu ý kiến. Vì ông sử dụng Đức ngữ không thực thông thạo nên tôi phụ giúp ông trong vai trò thông dịch trực tiếp. Vị sĩ quan muốn biết tại sao Hiệp định Paris với sự cam kết của Liên Hiệp Quốc cùng cả chục quốc gia khác trong số có các đại cường mà khi Việt cộng trắng trợn ngang nhiên vi phạm Hiệp định, cộng đồng quốc tế không làm gì được sất. Trả lời : đối với một chế độ vô pháp vô thiên độc tài toàn trị như chế độ Việt cộng thì nền văn minh nhân loại trở thành bất lực chẳng thể nào chi phối hay chế tài. Hỏi tiếp : tại sao lũ lừa đảo lại có thể chiến thắng? Trả lời: bởi vì chúng sử dụng khủng bố, khủng bố và khủng bố. Ngay từ khi mới thành lập, cái gọi là Mặt trận Giải phóng Miền Nam trong khi tiến hành du kích chiến đã chủ trương tuyên truyền láo khoét và bạo lực khủng bố khiến dân chúng khiếp sợ để hòng khuất phục. Qua giai đoạn kế tiếp, cường độ khủng bố gia tăng theo cùng chiến thuật vận động chiến với những trận đánh cấp sư đoàn như trận Ia Drang (tác giả điểm những trang sách tường thuật tại chỗ trận đánh khốc liệt này) trong khi ở hậu phương của phe quốc gia thì đặc công đặt bom sát nhân hàng loạt kể cả phụ nử nhi đồng như vụ nổ bom nhà hàng Mỹ Cảnh mà tác giả chứng kiến tận mắt từ trên lầu thượng khách sạn Continental.
Vào những lúc tạm ngưng thảo luận, tôi tìm cách thăm dò giới trẻ về tác động của buổi hội thảo. Các cháu cho biết có cảm tưởng như đây là một buổi tranh cãi ở học đường về một đề tài thiết thực. Có cháu ngỏ ý tiếc vì chỉ các bạn trẻ vùng Ruhrgebiet là được dịp tham gia; giá như chúng ta tổ chức ở những nơi khác nữa thì thật là đáng mừng. Nhìn chung, các cháu cho biết trong các trường Trung học Đức, cuộc chiến quốc-cộng tại Việt Nam nếu có được đề cập đến thì không phải là bị trình bày sai lạc xuyên tạc mà nói cho đúng, cuộc chiến đó chỉ được trình bày rất ngắn gọn sơ sài. Học đường Đức còn phải chú tâm giáo dục giới trẻ về tội ác của chế độ quốc xã mà người Đức luôn luôn nhắc nhở thanh thiếu niên là không bao giờ được quên, cùng lúc với tội ác của đảng cộng sản Đông Đức cũ. Các cháu cũng tâm sự là qua sự giáo dục của gia đình cha mẹ, các cháu biết bất bình khi xem những đoạn phim ảnh hay thiên phóng sự liên quan đến quê hương được trình bày thiếu chân thực khách quan, dẫu rằng nhiều khi chỉ do vô tình, không cố ý.
Những người trẻ cả nam lẫn nữ tuổi từ hai mươi đến ba mươi đã tự nguyện đứng ra phụ trách tổ chức buổi gặp mặt với Uwe Siemon-Netto vào ngày thứ bảy 22.03 mặc dầu ngày thứ hai 24.03 các cháu có bài làm bài thi ở trường ở lớp. Các cháu sẵn sàng nhận trách nhiệm. Mặt khác, sự hiện diện đông đảo, sự tập trung nhiều lớp, sự tham gia nhiệt tình của thanh thiếu niên đồng hương – số lượng các cháu có mặt trong buổi hội thảo nếu không lớn hơn thì ít nhất cũng suýt soát số lượng người lớn tuổi – phủ nhận lập luận phản động và phản phúc theo đó giới trẻ có xu hướng dị ứng với cờ vàng (!?) , cho nên phụ huynh cũng nên tùy theo thực tế mà hành động(!?).
Chung qui tất cả cũng chỉ là từ một tấc lòng, tấc lòng muốn làm một chút gì cho dân tộc, cho quê hương, dẫu rằng tuổi tác chỉ mới bằng Trần Quốc Toản.
Cao niên và niên thiếu mật thiết cộng tác để truyền đạt thông tin tới người Đức. Trước hết là tới khán thính giả Nhật nhĩ man hiện diện tại buổi hội thảo, có cả người thuộc Đảng Xanh Die Grüne. Thứ nữa là nhắm vào công chúng Đức. Cuộc phỏng vấn của cơ quan thông tin báo chí phát thanh truyền hình Ruhrnachrichten có đối tượng là quần chúng Đức vùng Ruhr rộng lớn và đông dân. Hội chợ sách Quốc tế Leipzig đã dành cho Siemon-Netto đến ba lần bình sách. Để tạo thêm cơ hội tiếp xúc cho tác giả, Liên Hội đứng ra giới thiệu Siemon-Netto với cơ quan Gedenkbibliothek für die Opfer des Stalinismus (Thư viện Tưởng niệm các Nạn nhân Chế độ Stalinít) có trụ sở ở Berlin và buổi gặp mặt đã diễn ra hôm thứ năm 20.03 lúc 19 giờ với kết quả mỹ mãn. Phía Việt Nam có năm nam nữ hiện diện mà một vị nữ lưu là người gốc Nùng rất xinh đẹp, theo như lời kể lại của Uwe Siemon-Netto. Ngày kế tiếp buổi hội luận tại Witten, chủ nhật 23.03.2014, cộng đồng tỵ nạn cộng sản Việt Nam qua tổ chức Danke Deutschland (Cám ơn nước Đức) cũng triệu tập một buổi sinh hoạt đấu tranh chính trị giữa Siemon-Netto và tập thể đồng hương cư trú tại thủ đô Cộng hoà Liên bang Đức.
Chống cộng mang rất nhiều hình thức dị biệt. Siemon-Netto đến Witten thăm hỏi, trò chuyện tâm tình cùng người Việt Nam nhất là những người Việt Nam mới lớn lên hay đã nên thân người là một dạng thức đấu tranh cho công bình công chính của lịch sử. Cung cách đấu tranh đó là khắc tinh của bộ máy tuyên truyền dối trá lừa lọc của những kẻ đã chiến thắng về quân sự nhưng đang thất bại về nhân tâm.
Trần Văn Tích
Nguồn:VRNs