Một clip nhóm cảnh sát giao thông thuộc đội Hàng Xanh (TPHCM) có những vi phạm trong quá trình xử lý vi phạm giao thông được tung lên mạng, gây chú ý của dư luận. Tuy clip không ghi hình được rõ ràng cảnh sát giao thông nhận tiền mãi lộ, nhưng những vi phạm khác đã quá rõ. Hiện 4 chiến sĩ này đã bị tạm đình chỉ công tác để giải trình sự việc.
Thực ra, hình ảnh hay clip là để có chứng cứ xử lý những trường hợp cụ thể, dân gian gọi “là bắt tận tay, day tận trán”. Còn chuyện cảnh sát giao thông có nhận tiền mãi lộ hay không, tự các anh biết, những người trực tiếp đưa biết. Và rộng ra, người dân của nước này biết rõ cảnh sát giao thông có nhận tiền mãi lộ hay không, họ không cần phải đi tìm chứng cứ ở đâu cho xa, vì bản thân đã từng đưa tiền cho cảnh sát.
Xe máy, ôtô đen kín trên đường phố các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM nên họ rất dễ phạm luật. Có những lỗi do vô tình, nhưng cảnh sát ít khi khoan nhượng, chìa gậy ra và phạt. Trong muôn chiếc xe, có những chiếc phải đưa tiền nhưng không nhận biên lai. Những người sống ở đô thị chắc không ai thoát khỏi tình trạng đó.
Từng đoàn xe khách, xe chở hàng nối đuôi nhau trên các quốc lộ, lái xe chung chi như thế nào, họ tự biết. Người ta chấp nhận nó như chấp nhận một sự thật không thể đảo ngược. Mà cho dù muốn thoát ra cũng không được, cái gọi là “làm luật” thì cho dù là luật rừng cũng là luật. lái xe muốn kiếm sống thì phải chấp hành “luật”, không còn cách nào khác.
Cái “luật” chung chi mãi lộ đó được gọi là “tham nhũng vặt”. Tham nhũng vặt là không to lớn nghìn tỉ đồng như các đại án tham nhũng, nhưng nó làm mục ruỗng lòng tin của công dân vào pháp luật, vào những người thực thi công vụ. Dù không phải tất cả, nhưng cảnh sát giao thông không giữ được sự liêm khiết, không giữ lòng công chính cũng không ít.
Cây gậy “cong” của cảnh sát không chỉ làm mất lòng tin của người dân, mà còn gián tiếp gây ra những vi phạm giao thông và tai nạn giao thông. Lái xe chở quá tải, chở vượt số lượng người quy định, chạy vượt tốc độ và nhiều vi phạm khác không được xử lý nghiêm, mà cho qua như hình ảnh ghi từ clip nêu trên là một trong những nguyên nhân gây tai nạn.
Thông tin từ Bộ Giao thông Vận tải, trong 2 tháng đầu năm 2014, cả nước xảy ra 2.000 vụ tai nạn giao thông, làm chết gần 2.000 người. Quá khủng khiếp, mạng người đúng là “như cỏ rác”.
Để cứu dân mình bớt đi những cái chết đau thương trên các tuyến đường, cần phải có nhiều biện pháp về cơ sở hạ tầng, về tuyên truyền nhận thức pháp luật. Nhưng bên cạnh đó, cần có biện pháp chỉnh lại cây gậy của cảnh sát giao thông cho thật “thẳng”.
THEO LAO ĐỘNG