Từ nhiều năm nay, nhu cầu kiếm được cái bằng thạc sĩ, tiến sĩ, hoặc tệ hơn là đại học, bằng tốt nghiệp phổ thông của cán bộ, quan chức chính quyền tăng rất cao. Việc sở hữu một trong số những cái bằng trên giúp cho họ được nâng ngạch lương, thăng tiến trên con đường hoạn lộ.
Đã có không ít quan chức bị phanh phui sử dụng bằng giả hoặc được đào tạo từ xa ở những trường đại học không được công nhận để phục vụ cho mục đích này. Cùng với những tấm bằng giả mà không cần phải qua học hành, rèn luyện, họ chỉ cần bỏ ra vài chục, vài trăm hoặc vài tỉ đồng là có thể ngồi chễm chệ ở chiếc ghế mà nhiều người mong muốn. Không thể phủ nhận rằng, vẫn có một số sinh viên, người có ý thức học hành để tiến thân bằng con đường học vấn, nhưng nằm trong một cơ chế độc tài, quen với “hồng hơn chuyên” thì dù có cố gắng đến đâu vẫn khó có thể toại nguyện. Có cầu ắt sẽ có cung, một số đối tượng đã thành lập đường dây làm bằng giả để đáp ứng tham vọng trên. Mới đây, Phòng cảnh sát hình sự công an thành phố Sài Gòn đã đánh sập đường dây làm bằng giả quy mô trên toàn quốc, có tất cả 13 đối tượng đã bị bắt giữ để điều tra.Nhóm đối tượng làm bằng giả bị công an bắt. Ảnh: Tuổi Trẻ
Theo cơ quan điều tra, đường dây làm bằng giả này hoạt động từ hồi 2/2014 cho đến nay. Trong thời gian đó, nhóm này đã làm giả khoảng được 500 bằng cấp giả khác nhau, như: Thạc sĩ, cử nhân, bảng điểm và ngay cả học bạ chỉ với giá từ 6-9 triệu đồng. Điều đáng nói là, đường dây bằng giả này không chỉ ở gói gọn ở Sài Gòn mà còn cho cả nhiều tỉnh thành trên cả nước.
Trong số 13 người bị bắt giữ, qua sàng lọc, công an đã tạm giữ 9 người để điều tra, truy tố theo tội “làm giả giấy tờ, tài liệu của cơ quan, tổ chức”; còn 4 người kia sẽ làm sáng tỏ để giải quyết sau.
Theo cơ quan điều tra xác định, người cầm đầu đường dây này là Phạm Đăng Thành (tự Long chùa, sinh năm 1990, tạm trú quận 1, Sài Gòn). Ban đầu mới thành lập, Thành tìm kiếm khách hàng bằng cách cho đăng thông tin làm bằng giả mạng xã hội Facebook. Khi khách hàng có nhu cầu sẽ liên lạc với Thành qua Internet, rồi chuyển khoản qua ngân hàng cho Thành.Các loại bằng giả được làm hết sức tinh vi. Ảnh: Tuổi Trẻ
Cùng tham gia vào đường dây làm bằng giả còn có các tên, như: Nguyễn Ngọc Thiệu (tự Ấn, sinh năm 1995), Lê Văn Tượng (sinh năm 1977), Nguyễn Hiệu (sinh năm 1990, cùng quê Quảng Ngãi). Những tên này được giao nhiệm vụ “chăm sóc” những khách hàng ở những tỉnh thành lân cận Sài Gòn, ai có nhu cầu sẽ gặp ở quán café để nhận thông tin và nhận tiền đặt cọc. Sau một thời gian, những người nói trên cũng thành lập Facebook để tìm kiếm khách hàng trên mạng.
Sau khi đã có đầy đủ thông tin về khách hàng, Thành và đồng bọn sẽ chuyển cho vợ chồng Chu Ngọc Trung (sinh năm 1983)- Nguyễn Kiều Vang (sinh năm 1986, cùng quê ở Biên Hòa, Đồng Nai). Đôi vợ chồng này sẽ dùng máy móc có sẵn tại nhà ở Biên Hòa để sản xuất ra bằng giả cung cấp cho khách hàng.
Mỗi bằng giả, vợ chồng Trung-Vang giao cho Thành và đồng bọn với giá 2-4 triệu đồng. Sau đó, Thành và đồng bọn lại giao cho khách hàng với giá từ 5-9 triệu tùy loại giá trị bằng cấp.
Nhóm này cho biết, bằng cao đẳng, đại học sẽ có giá khoảng 5 triệu đồng. Còn bằng thạc sĩ, tiến sĩ giả sẽ từ 7-9 triệu đồng.
Khi công an khám xét nhà vợ chồng Trung-Vang ở Biên Hòa đã giữ 3 máy tính, 2 máy in, 39 mộc tên, 28 bảng điểm, 197 học bạ các loại…
Được biết, chuyên án này do đích thân Thiếu tướng Phan Anh Minh, phó Giám đốc Công an thành phố Sài Gòn chỉ huy lực lượng.
Trung tá Nguyễn Thanh Huyền, thuộc Phòng cảnh sát hình sự cho biết: Khách hàng mua bằng cấp giả trong đường dây của đối tượng Phạm Đăng Thành rộng khắp các tỉnh thành. Họ dùng để cung cấp cho nơi làm việc, nâng ngạch bậc lương… Bên cạnh đó, phía công an còn đề nghị những ai mua bằng cấp giả của nhóm đối tượng này phải nhanh chóng đến công an trình báo, giao nộp, nếu không sẽ bị xử phạt theo các quy định của pháp luật.
Chẳng biết những người đã mua bằng giả có chịu đến giao nộp cho công an hay không, vì rõ ràng khi họ mua bằng giả là nhằm việc chạy chức, chạy quyền ở cơ quan, doanh nghiệp nhà nước. Chứ đối với những doanh nghiệp tư nhân, công ty nước ngoài, vấn đề bằng cấp không phải là điều thiết yếu mà quan trọng là năng lực của người làm việc. Thứ nữa, liệu khi phát hiện ra ông quan nào đó đang sử dụng bằng giả để chễm chệ ở cái ghế rất to, liệu công an có dám làm mạnh tay hay là “nhỏ nhẹ bảo nhau” để khỏi làm xấu mặt đảng, mặt chế độ?
Người Quan Sát