http://rossikuku.blogspot.de/ chân thành kính chúc Qúy Độc Giả Một Năm Mới An Khang - Thịnh Vượng - Vạn Sự Như Ý
Home » » Con đường Đức tin vào Nước Chúa qua cây cầu Hồng Y F.X Nguyễn Văn Thuận

Con đường Đức tin vào Nước Chúa qua cây cầu Hồng Y F.X Nguyễn Văn Thuận

Trầm Hương Thơ | 00:57 | 0 nhận xét
Nhà văn Phao_Lô Nguyễn Hoàng Đức, một chứng nhân sống động của Chúa, của Chân phước F.X Nguyễn Văn Thuận. Ông từng là trung uý an ninh, công tác tại cục “chống phản động” A16 thuộc Bộ Nội Vụ, phụ trách vấn đề tôn giáo. 

Năm 1987, ông có dịp gặp ĐHY F.X Nguyễn Văn Thuận lúc đang bị giam cầm để học tiếng Pháp. Sau gần hai năm học cùng ngài, ông được khai sáng Đức Tin Thiên Chúa. Một thời gian sau khi ĐHY được trả tự do sau 13 năm giam giữ bất công, ông Đức cũng từ bỏ ngành công an và chính thức trở thành con cái Chúa vào dịp lễ phục sinh 2003.
Tôi được ông gửi tặng bản photo viết tay này trong lần gặp ở Hà Nội vào tháng ba vừa rồi. Câu chuyện này đã giúp tôi gia tăng thêm Đức Tin cả về lý trí lẫn linh hồn. Một câu chuyện tuyệt vời, sống động mà tôi muốn đánh máy lại để chia sẻ cùng các bạn, những người yêu mến Chúa như một món quà tặng gửi các bạn trong tuần Thánh và những ngày Phục Sinh sắp tới. 

——————–
Tôi viết bài này để chia sẻ và hiệp thông cùng cảm ơn Cố Hồng y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận trong niềm hân hoan còn tươi dấu cuộc khai sinh lần hai, khi sinh làm con Thiên Chúa trong nước rửa tội và thần khí thiêng liêng, đúng dịp lễ Phục sinh, thứ bảy, ngày 19 tháng 4, năm 2003.
Lễ Phục sinh, Thế giới đón nhận hồng ân Thiên Chúa đã chết và sống lại sau biến cố vượt qua đầy nhiệm mầu thánh hiến. Riêng đối với tôi, đã được đón nhận ân sủng Phục sinh bằng cả một cuộc trải nghiệm, đầy ánh sáng rọi soi từ hiện thực.
Thứ nhất: Tôi đã được rửa tội trong nước và thần khí Thiên Chúa. Để vượt qua từ công dân trần gian trở thành công dân nước Chúa.
Thứ hai: Kể từ đầu tháng 4 năm 1993 tôi mắc bệnh thần kinh tọa rất nặng, người cong vẹo hình chữ “C” mới đầu là chân phải bị teo, sau đó đến chân trái. Sau nữa cơ thể phù lên từ dưới da, và ra máu xấu từ ngón chân lên tận đỉnh đầu. Tất cả kéo dài hơn 10 năm, cho đến khi tôi tham dự lớp dự tong tháng 10 năm 2002, thì trên mặt vẫn còn bị lở loét, việc đó có linh mục Nguyễn Xuân Thủy, linh mục An Tôn Nguyễn Văn Thắng, Các thầy Phanxico Asisi Doanh và thầy Hùng, thầy Hải, thầy Kỳ, cùng các bạn trong lớp dự tong đều thấy. Vào dịp tháng 8 năm 2001, học giả, dịch giả Trần Thiện Đạo khá nổi tiếng từ Pháp về thăm Việt Nam có đên thăm tôi và chụp ảnh cùng. Tôi vẫn còn giữ tấm ảnh mà khuôn mặt vừa cương cứng vừa phù sưng toàn máu đọng và lở loét. Cách lễ rửa tội vài ngày thôi, Linh mục Thomas Thủy và thầy Phanxico Doanh thấy mặt tôi vẫn còn lở loét nên ái ngại hỏi: “Sức khỏe của anh Đức thế nào?”
Trong quá trình trị bênh tật, nhiều đêm đằng đẵng liên tục lo bóp nặn máu mủ, nhưng tôi vẫn yên tâm sống và làm việc bởi tin vào hai giấc mơ Chúa đã mạc khải cho tôi.
Giấc mơ thứ nhất, trước ngày tôi bị ốm là: Tôi vào trong buồng tắm vặn nước chỉ thấy phân chảy ra, tôi chạy ra vòi nước khác vặn, vẫn thấy phân chảy ra, và vài vòi nước khác ở trong và ngoài nhà cũng chỉ có phân chảy ra, sáng ra lúc tỉnh dậy người tôi rất nặng nề và u uất.
Giấc mơ thứ hai, cách một ngày sau là: Tôi lắp đặt một vòi nước mới bắc qua một mảnh vườn mới, nó phun lên  toàn nước sạch, xối xả, mạnh mẽ, khi tỉnh dậy, người tôi rất sảng khoái, và dường như tôi được mặc khải để suy ra điều rằng: Ống nước là hình tượng của ống xương hay hệ dây thần kinh, nó đang chứa chất bẩn và độc như phân. Sau đó sẽ trào vọt một nguồn nước sạch mới và ta sẽ khỏi bệnh.
Trong quá trình bệnh tật, nhiều lúc quá đau đớn tôi đã từng muốn hơn trách, thậm chí nguyền rủa Thiên Chúa, nhưng tôi vẫn nghĩ đến hình ảnh của ông Gióp. Ngài bị bệnh bảy năm lở loét hôi thối đầy người, bị vợ con xa lánh có lúc không chịu được ngài chê trách Thiên Chúa “sao không để cho ngài được chết” tôi nghĩ tôi đã có được hình ảnh của ông Gióp để làm gương, vậy không thể nào lặp lại “dấu ngã lòng” đó, vì thế mà tôi vẫn cắn răng chịu đựng. Thêm nữa trong quá trình bệnh tật, tôi tự ngẫm thấy mình nhận được quá nhiều ánh sáng vinh quang của Chúa, mà không có Chúa trợ giúp và dẫn dắt, tôi không thể làm được. Trong thời gian đó tôi đã viết được hàng chục cuốn sách, gồm chuyên luận, truyện ngắn, trường ca… có những cuốn quan trọng như “Y hướng tính văn chương” – có hẳn một chương bàn về Thượng Đế, “Hành trình nhận thức nhân loại”, “Hành trình tâm linh nhân loại”, và trường ca thần học “ Ngước lên cao” – Tôn vinh Chúa và đức tin của con người. Tôi luôn nghĩ, vinh quang là món quà lớn nhất mà Chúa đã trao cho ta, thì ta còn kêu ca về những đơn đau thể xác làm gì ?(!)
Vào dịp rửa tội – lễ phục sinh tôi xuất hiện trước mắt mọi người tinh tuyền, sạch sẽ. Và tôi chiêm nghiệm đó là món quà Chúa ban cho tôi: Vượt qua một cơ thể đầy rẫy bệnh tật u ám để phục sinh thành con cái Chúa trong một thân xác mới.
Thứ ba: Trước lễ rửa tội một tuần, bố tôi bảy mươi tuổi lâm bệnh rất nặng, tôi phải về nhà đưa cụ vào bệnh viện Việt – Xô cấp cứu. Ngay trong đêm đó, bệnh viện hội chẩn và quyết định mổ, sau ca đại phẫu lấy mật cho cụ, lúc 3 giờ sáng tôi trở về nhà, việc đầu tiên tôi mặc quần áo, leo lên gác xép, thắp 3 ngọn nến cầu nguyện Thiên Chúa ban phước lành để bố tôi vượt qua bệnh tật. Mỗi ngọn nến nhỏ hơn ngón tay út, được cắm vào chiếc đế bằng sứ nhỏ như đáy chén. Vậy mà tôi cho rằng một việc như phép lạ đã xảy ra, lúc gần 9 giờ sáng tôi tỉnh dậy, vẫn thấy một ngọn nến còn cháy. Như vậy một ngọn nến bé xíu, cùng một chút nến còn sót lại nơi đế chén đã cháy bảy giờ đồng hồ. Tôi nghĩ Chúa Thánh Thần đã ban cho tôi sự ấm lòng, Ngài như muốn bảo: “ Ta cho con một dấu chỉ để con yên tâm”. Trọng bệnh của bố tôi dần dần bình phục. Vào ngày tôi rửa tội, tôi nghe, sang tuần bố tôi có thể xuất viện. Như vậy Chúa không chỉ cho bố tôi sức khỏe, cho gia đình tôi bình an, mà còn cho tôi một đêm rửa tội an bình, thuận buồm, xuôi gió. Và tôi tự chiêm nghiệm rằng: với gia đình và tôi, đây cũng là ân sủng phục sinh của phép nhiệm mầu vượt qua.
Nhưng tất cả hành trình “vượt qua” để trở thành con chiên của Chúa đó được bắt đầu từ đâu? Lần lại hơn mười năm, nó được bắt đầu từ cái ngày tôi may mắn được gặp Đức cha Phanxico Xavie Nguyễn Văn Thuận. Một triết gia có nói “ Một hòn đá đặt đúng chỗ có thể  chuyển hướng chảy cả một dòng sông”, có thể nói Đức cha Nguyễn Văn Thuận là viên đá làm chuyển hướng dòng sông cuộc đời tôi, đặc biệt Ngài khơi nguồn để dòng sông tâm hồn tôi chảy từ trần gian qua miền đức tin hướng về nước Chúa. Nói chính xác hơn, cho đến nay tự thân tôi vẫn luôn đánh giá, việc gặp Đức cha Nguyễn Văn Thuận là “biến cố tha nhân lớn nhất cuộc đời tôi” (le plus grand événement de l’autrui).
Ngài là người nhân ái nhất, trí tuệ nhất, nguyên tắc nhất mà tôi từng gặp. Và Ngài như một hạt men hùng hậu nhất đã gieo vào cuộc đời tôi, để triển nở thành một đức tin vô cùng mãnh liệt. Đến nay, dù tôi sống vẫn còn nhiều vấp phạm, song tôi không bao giờ có thể mảy may nghi ngờ: “Chúa là sức mạnh lớn nhất trong tôi. Chúa là vinh quang lớn nhất cuộc đời tôi!”
Sự việc bắt đầu thế này. Trước kia tôi là sinh viên khóa VI của Đại học An Ninh, còn gọi là C500, đóng ở khu vực giáp khu Thanh Xuân, Hà Nội. Tôi học từ năm 1974, đến năm 1979 ra trường được phân về công tác tại cục “ Chống phản động” tức A16 thuộc Bộ Nội Vụ. Thời gian đầu tôi công tác tại phòng “Dân tộc”. Sau bảy năm, số phận bắt đầu đưa đẩy tôi vào một sự sắp đặt mới, tôi được chuyển sang phòng “Tôn giáo”. Mới về phòng, tôi đã nghe anh em bàn tán về việc của Đức cha Nguyễn Văn Thuận. Nào là “ Ngài giỏi lắm, biết đến tám ngoại ngữ!” “Ngài nhân từ với mọi người!” “ Ngài bị cầm tù mà lúc nào cũng vui vẻ và tràn đầy hy vọng”… rồi tôi cũng được xem tập hồ sơ của Ngài. Cái ấn tượng đầu tiên của tôi là ảnh Ngài chụp chung với khoảng 200 tu sinh và thanh thiếu niên mặc toàn đồ trắng trên bãi biển Nha Trang. Và cái tội lớn nhất của Ngài trong tập hồ sơ là: Thành lập “Tu hội Hy Vọng” và là thành viên của gia đình “mũ rất to” là Ngô Đình Diệm (Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa).
Trong thời gian đấy cục tôi, do ông Hoàn Thành cục trưởng, ông Lam trưởng phòng Tôn giáo có trách nhiệm quản thúc Đức cha Nguyễn Văn Thuận tại số nhà 23 phố Hòa Mã. Sau mười năm công tác, tôi đã trở thành một cán bộ cốt cán nằm trong chỉ tiêu được nâng lên cao hơn, khi các ông cục trưởng và trưởng phòng hỏi tôi về nguyện vọng, tôi đã trả lời:“Thưa các thủ trưởng, hiện nay tôi đã hoàn thành chương trình học tiếng Anh khóa buổi tối, nay tôi theo học trình độ C tiếng Pháp. Vậy nguyện vọng của tôi chỉ mong được hàng tuần gặp Đức cha Nguyễn Văn Thuận để tập nói tiếng Pháp”. Với tổ chức, nguyện vọng đó khá giản dị, vì tôi không đòi thăng quan, tiến chức mà chỉ đòi học. Thế là tôi được cấp cục và cấp phòng đồng ý cho gặp Đức Đức cha và tất nhiên tôi được ông trưởng phòng sửa soạn cho lập trường tư tưởng, làm sao không để “đối tượng” cảm hóa ngược.
Vào một chiều đầu năm 1987 tôi đến số nhà 23 phố Hòa Mã. Đó là một ngôi nhà so với điều kiện của người Việt thời đó, có thể nói là trên cả tiêu chuẩn của thủ trưởng. Ngôi nhà kiểu Pháp, mặt tiền khoảng 6 mét, phía dưới có hai phòng. Phòng ngoài để Đức cha ăn uống và sinh hoạt. Qua phần cầu thang đến phòng thứ hai để cho hai cán bộ thường trực ở đó quản lý Ngài. Hai phòng trên gác, phòng phía ngoài với một mảnh tre màu xanh che phía trước dành cho Đức cha ở, còn phòng thứ hai, có kê bàn ghế kiểu văn phòng giành cho lãnh đạo cục phòng, đôi khi chỉ lãnh đạo Bộ làm việc với Đức cha.
Khi tôi ra, ngay cái nhìn đâu tiên chúng tôi đã mến nhau. Tôi thì đã biết khá kỹ về Ngài, cùng danh tiếng của Ngài , còn Ngài thì chí ít cần một người đối thoại, để cho vơi bớt cô đơn. Hôm thứ nhất Ngài còn hỏi tôi: “Nhà này thuộc phố nào?” Tôi không trả lời! Và tôi giữ nguyên tắc đó từ đầu đến cuối, nghĩa là tôi có thể rất chân tình với Ngài về phần con người, rất thành thật với Ngài trong các cuộc trao đổi, hỏi Ngài về các nhãn quan chính trị, xã hội hay tôn giáo, nhưng không đánh mất vai trò của một cán bộ có chức năng chuyên môn.
Hôm sau, Ngài dẫn tôi vào thăm phòng Ngài. Ngài chỉ qua cửa sổ của lớp mành che nói rằng, phía bên kia đường phố chủ nhật nào cũng có các bà mặc áo dài đi lễ. Và Ngài nói, tôi có thể nhìn rõ biển quảng cáo trên các hiệu may để biết đây là phố nào.
Rồi sau hai giờ tập nói tiếng Pháp với Ngài, qua các cuộc  trao đổi về mọi lĩnh vực, tôi có ra tận nơi Ngài tự nấu bếp ăn. Ở phía sau tầng trệt. Ngài chỉ ra phía cổng sau, nơi có chiếc loa phóng thanh và nói: “Hỏi để thử anh Đức vậy thôi, còn sáng nào chiếc loa kia chẳng mở đầu bằng câu ‘Đây là phường Hòa Mã’ ”… đó là những kỹ niệm làm quen đầu tiên của tôi nói với Đức cha.
Trong thời gian đó, để chống lại nỗi cô đơn không được làm phụng vụ, Đức cha Phanxico Xavie Nguyễn Văn Thuận soạn và viết khá nhiều  sách, như cuốn từ điển tám thứ tiếng, sách học tiếng Đức, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Italia, Ngài viết sách và làm bìa bọc bằng các túi nilon đựng thực phẩm. Ngài tặng tôi một cuốn Lexikon. Từ vựng tiếng Đức – Anh – Pháp – Việt (cùng gốc – đồng nghĩa), học bằng bìa Osuimono – một thứ gia vị của Nhật Bản, với hàng chữ: “Avec mes meilleurs souhaits et mes sincères felicitations pour vos succcès en Frangais et en Anglais”, Hà Nội, 24, Avrie 1988.
Ngài còn tặng tôi cuốn sách học tiếng Đức “L ‘Allemand sán peine” của tác giả A Chérel được bọc trong chiếc bìa cứng cùng khổ của một cuốn sách phụng vụ khác có tên là “Lé Actes du concile, Vatican II texts intégrou” Với hàng chữ đề tặng “Affeclueuse Souvenir, Hà Nội 20 –x-1988). Ngoài ra cho đến giờ tôi vẫn còn áy náy và ân hận, đó là việc mượn cuốn từ điển tám thứ tiếng tự soạn bằng chữ viết tay của Ngài về để nhờ anh bạn cùng lớp photocopy, nhưng anh này đã làm thất lạc mất sách của Ngài. Thật là một sự cẩu thả làm phí phạm bao công sức của Ngài. Tôi đã xin lỗi Ngài nhiều lần về việc này.
Hồi đó tôi cũng đọc một số trang Kinh Thánh và cùng đọc sách Kinh Phật, so sánh tôi thấy Đức Phật nói nhiều vấn đề khúc triết, trái lại Chúa Giê-su thì nói những điều khá bình dị.
Đức cha Phanxico Xavie Nguyễn Văn Thuận từ tốn trả lời:“Đức Phật nói khúc triết vì Ngài nói như một nhà triết học, một nhà thần học. Trong khi đó, Chúa Giê-su nói cách giản dị vì Ngài là Chúa tể tạo ra trời đất, Ngài ở trên mọi người, và Ngài nói cách giản dị để mọi người thực hiện. Lời Chúa là bản chất của vũ trụ từ trong Ngài đi ra nên mạch lạc và giản dị, vì Ngài là Đấng sáng tạo vũ trụ hiểu thấu mọi việc Ngài làm. Trái lại Đức Phật tìm cách kiến giải vũ trụ bằng sự giác ngộ của Ngài, vì vậy Ngài phải dùng lời khúc triết.”
Nghe xong sự giải thích của Đức cha, tôi thấy sự sáng tỏ, tôi bị chinh phục hoàn toàn chẳng hỏi thăm gì nữa.
Đức cha Phanxico Xavie Nguyễn Văn Thuận là người lúc nào cũng bày tỏ sự chân tình, kiên nhẫn và lạc quan. Hầu như lúc nào Ngài cũng hát, lúc xách một phích nước lên gác Ngài hát tranh thủ thời gian của vài bước chân, lúc nhặt rau Ngài hát tranh thủ một thời gian của một xoong nước bé tý bốc hơi, những bài ngài hát toàn là những thánh ca. Ngài có rất nhiều chuyện tiếu lâm, đời có, đạo có, và mỗi khi có dịp ngài lại kể ngay một chuyện. Mọi người ở quanh ngại đều thường bị tính tình, cách sống, trí tuệ uyên bác, Đức tin sâu thẳm của ngài cảm hóa. Riêng tôi, bị thấm nhiều ngài nhanh đến mức, chỉ sau vài lần tiếp xúc với ngài, khi tôi đến nhà vợ của chú em út, thì cô em dâu dù rất xa lạ với Đức tin Ki-tô giáo, đã sững sờ thốt lên: “Anh Đức trông giống cha Đạo quá!”. Tôi ngắm lại mình, và tự hỏi, có lẽ ánh mắt mình đã xa hơn, sâu hơn, bao dung hơn, còn phong thái thì nho nhã đĩnh đạc hơn chăng mà “lật trang” thành một người khác hẳn? Và tôi hiểu tất cả ảnh hưởng vừa nhanh-vừa mạnh-vừa sâu đó được bắt nguồn từ Đức cha Phanxico Xaviê Nguyễn Văn Thuận.
Đức cha hay kể cho tôi nghe và xem ảnh cha-mẹ của ngài đang ở bên Úc. Ngài kể, vào mỗi dịp xuân về là lòng ngài cồn cào nhiều nhất về nỗi nhớ cha mẹ. Trước giao thừa, ngài thường soi gương để xem khu ấn đường trên mặt có vết đen không. Ngài bảo, theo tướng mạo của người Hoa thì khu đó thường biểu hiện cho cha mẹ, khu đó sáng sủa thì cha mẹ vẫn tốt, còn vết đen thì cha mẹ gặp chuyện chẳng lành. Và trước tết âm lịch năm 1988, ngài yêu cầu tôi, ngày tết hãy dẫn đứa con trai của tôi tới, để ngài được sống trong tình thương của những đứa trẻ vô tư.
Cơ quan tôi, ai cũng ngại trực đêm ba mươi tết, họ liền bảo tôi” Đức cha Thuận quý thằng Đức nhất nên cho nó trực đêm ba mươi để hai thầy trò tâm sự”. Tôi vui vẻ nhận lời trực đêm ba mươi. Đức cha có đưa tôi ít tiền mua thức ăn để hai thầy trò nhắm rượu đón giao thừa. Đêm đó, ngài lại nói nhiều về cha mẹ. Ngài thường nói một câu của Khổng Tử, đại ý rằng: Mỗi mùa xuân đến tôi vui vì cha mẹ đã thọ thêm một tuổi, và cũng buồn vì cha mẹ đã già đã yếu thêm một tuổi.
Đức cha còn cho tôi xem một lá thư của một người tên là Vinh thì phải. Ông Vinh tuổi đã khá cao, là một phạm nhân phạm tội về kinh tế, một người trong thời gian dài được đưa vào tiếp cận để theo dõi Đức cha. Nhưng rút cục cảm phục trước tài cao-đức trọng, Đức tin-nghĩa khí và sự ân cần của Đức cha, mà ông đã thổ lộ với Đức cha công việc theo dõi của mình. Sau khi mãn hạn giam giữ, ông Vinh trở về nhà, đã rửa tội, trở thành con cái Chúa. Và gửi thư cám ơn Đức cha hết lời về lòng tốt của ngài đã nâng đỡ ông, và sự giúp đỡ tài chính của ngài đã giúp ông xây được ngôi nhà.
Hết ca trực, sáng mồng một tết tôi về nhà, sau đó có dẫn con trai tôi là Nguyễn Hoàng Minh lên chào chúc tết Đức cha. Đến nơi, bố con tôi gặp anh Thanh phó phòng cùng vài cán bộ nữa đi đến đó. Sau đó anh Thanh có trách tôi vi phạm nguyên tắc, đem người nhà, là trẻ con đến một nơi quan trọng như vậy. Nhưng vì tôi đã chủ định giành cho Đức cha một cơ hội tình cảm nhân dịp năm mới, nên chẳng thấy tiếc gì, cho dù có bị khiển trách hay kỷ luật.
Khoảng cuối năm 1987, Đức cha Phanxico Xavie Nguyễn Văn Thuận có đọc và mời tôi góp ý cho đơn kiến nghị ngài gửi lên chính phủ xin được trả lại tự do và làm mục vụ. Trong đơn, theo trí nhớ của tôi có ba phần chính:
1- Quá trình và chức năng phụng vụ của ngài cho giáo hội Việt Nam.
2- Ngài xin được tự do để làm mục vụ, dù làm ở bất cứ đâu, trại hủi Quy Nhơn cũng được.
3- Ngài trình những khúc mắc của ngài trong vai trò là một công dân, muốn giải bày và làm sáng tỏ các việc làm của ngài trước luật pháp cũng như lề luật hành chính của nhà nước.
Đơn của Đức cha viết khá dài, tỉ mỉ và chu đáo về mọi đằng. Nghe xong, tôi chỉ góp ý với ngài: “Đây là lá đơn gửi lên chính phủ chứ không phải giáo hội, vì thế ông nên đưa phần con người công dân lên đầu”. Đức cha là người có tinh thần khiêm tốn và cầu thị, Đức cha đồng ý với ý kiến của tôi. Đức cha đã viết lại đơn kiến nghị theo trình tự mới, lần sau ngài đọc lại cho tôi nghe, rồi mới gửi cho các ông lãnh đạo. Trong thân tâm, kỳ thực tôi cũng thấy tự hào về việc này, vì Đức cha là người uyên bác đến vậy, mà ý kiến của tôi vẫn được ngài chấp nhận, và đắc dụng cho ngài. Đơn kiến nghị gửi lên trên, khoảng một tháng sau thì có những tín hiệu sáng sủa và tích cực. Một hôm, Đức cha còn dẫn tôi sang phòng ngài, khoe tôi một đôi giày da đen từ Úc đại nội gửi sang, ngài nói “khi được tự do ngài sẽ xỏ đôi giày đó”. Ngài nói và khoe đôi giày trong ánh mắt vui vẻ hồn nhiên đến kỳ lạ. Hồn nhiên như một đứa trẻ được mút một que kem. Thấy ánh mắt ngạc nhiên của tôi, về một con người uyên bác chẳng thiếu thứ gì lại có thể có niềm vui về một đôi giày như vậy. Ngài hiểu liền và bảo” Trong cuộc sống nên biết kiếm niềm vui trong cả những điều nhỏ nhất. C’est la vie!”
Trước khi Đức cha được tha, ngài ghi địa chỉ nhà tôi ở khu tập thể trường Trung cấp y tế Phúc Xa Hà Nội. Rồi cuối năm 1988, sau khi được tha, ngài đến thăm nhà tôi ba lần. Lần đầu tiên đến cùng cha Thomas Nguyễn Xuân Thủy. Lần hai đi cùng thầy Giu-se Nguyễn Quốc Hùng, người gọi ngài là ông cách rất trìu mến và hướng dẫn đi theo con đường của đức tin đến độ xin vào học Chủng viện Hà Nội để phụng sự Chúa, và sắp thụ phong linh mục. Lần ba, Đức cha tự đi xe đạp đến một mình. Lần nào cũng vậy, sau khi Đức cha về, khu tập thể của tôi cũng xôn xao, họ nói “cái ông già đến nhà anh Đức làm gì mà vừa đẹp, vừa hiền hậu, mà vừa có uy đến vậy?!” Mọi người hỏi vì suy diễn rằng, Đức cha đi xe đạp chắc không phải người có chức quyền, nhưng sao trông ngài lại có uy đức đến vậy!
Cuối năm 1988, sang đầu năm 1989 tôi bắt đầu nộp đơn xin chuyển ngành, lý do chính là, sau một loạt sự kiện hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô tan vỡ, đặc biệt “sự kiện Mùa xuân Bắc Kinh” xảy ra tại quảng trường Thiên An Môn ngày 4/6/1989, rồi quân đoàn 27 tràn vào trộn máu thịt sinh viên bằng xích xe tăng, lúc đó Việt Nam coi “Trung Quốc là kẻ thù truyền kiếp” nhưng lại chiếu phim thời sự trong nội bộ để học tập cách đàn áp của Trung Quốc. Điều đó làm tôi không muốn ở cục ” Chống phản động” nữa, vì qua ngót mười năm làm việc, đọc nhiều hồ sơ, tôi hiểu hầu hết người dân lành đó không phải là phản động. Đôi khi, vài anh em bạn bè trong cục tôi vẫn thường bảo với nhau: Tại sao chúng ta thừa nhận giáo hội là hợp pháp, trong khi đó lại coi việc hành lễ hay rước lễ của họ là bất hợp pháp? Tại sao một linh mục hợp pháp cả về tư cách công dân, cả về tư cách mục vụ đã được nhà nước chấp thuận theo luật, vậy mà ông linh mục đi từ nơi này đến nơi kia lại phải xin phép?
Ngay việc của Đức cha F.X Nguyễn Văn Thuận thôi, nếu giáo hội mà ngài theo hợp pháp, thì việc giáo hội đó tổ chức ra một hội đoàn ” tu hội Hy Vọng” tại sao thành bất hợp pháp? Nếu bất hợp pháp sao không đưa người phạm pháp ra xử theo luật mà cứ tự tiện biệt giam?
Xin Chuyển ngành không được, tôi liền xin thôi việc. Việc này tôi cũng có kể với Đức cha F.X Nguyễn Văn Thuận. Sau khi đã nộp đơn xin thôi việc ba tháng, cơ quan vẫn không trả lời, tôi liền tự tiện bỏ việc, và sau đó bị gửi cho tờ quyết định kỷ luật vì “vô kỷ luật không đến cơ quan”.
Tôi xin việc vào công ty Dịch vụ dầu khí đóng ở Hà Nội. Sau khi kiểm tra trình độ tiếng Anh của tôi, ông giám đốc tên là Nhậm đồng ý, và cử tôi vào TP Hồ Chí Minh nhận việc. Vào đó, sau lần thứ hai kiểm tra trình độ tiếng Anh do người nước ngoài thực hiện, tôi được nhận vào làm việc tại công ty Shell đóng ở 21 Phạm Ngọc Thạch, với chân “Radio operator”. Hồi đó, một cách tự nhiên, hàng tuần tôi thường đi dự thánh lễ tại nhà thờ Đức Bà, nghe linh mục Khảm giảng lễ, một lần thấy cha giảng hay quá, tôi còn đợi hết lễ và sang tận nhà xứ gặp cha, khi nghe nói tôi ở Hà Nội vào, cha liền kể cha người Hà Nội di cư vào Nam thế nào. Tôi cũng có vài lần đi dự thánh lễ ở nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế, và nhà thờ Tân Định. Lần đầu tiên dự thánh lễ, tôi rất cảm động và khâm phục về trình độ phản tỉnh cũng như mở lòng với tha nhân qua hai hình thức “Lỗi tại tôi! Lỗi tại tôi! Lỗi tại tôi mọi đàng!” Và việc “Anh chị em chúc bình an cho nhau”, cúi phía trước, cúi phía trái, cúi phía phải chào nhau.
Sau đó vì hoàn cảnh công ăn việc làm toàn cảnh chèn ép chướng tai gai mắt, thêm nữa, tôi đã bắt tay vào viết cuốn sách đầu tiên, vì thế tôi thôi làm việc cho công ty “Dịch vụ dầu khí”, chuyển ra Hà Nội.
Nhờ khoản tiền trung bình của công ty, tôi mua một căn nhà nằm sâu trong đất ruộng của khu Thanh Xuân, phía nam Hà Nội. Tôi ngừng đi lễ nhà thờ. Nhưng có một đêm tôi được một giấc mơ kéo vào thế giới của tâm linh, đại loại như có một cánh tay dẫn tôi đến một chân trời có tấm phông thả từ vòm trời xuống, và có giọng nói, nếu tôi vén màn sẽ nhìn thấy thế giới ánh sáng ở phía bên kia. Tôi giơ tay vén màn thì choàng tỉnh. Đêm thứ hai, sau đó vài ngày, thì giấc mơ kéo tôi đến thẳng nhà thờ, và có giọng nói” hãy đi vào đường của tâm linh thiêng liêng”. Sáng hôm sau, không biết trời xui đất khiến thế nào, tôi mặc quần áo cộc chạy vào khu vực trong làng, và tôi đã nhìn thấy nhà thờ Phùng Khoang. Kể từ đó, sáng chủ nhật nào tôi cũng dậy từ 5h sáng để đi lễ nhà thờ Phùng Khoang lúc 6h sáng. Kể từ khi đi lễ, tôi đã luôn tự nhận mình là con cái Chúa. Khi tôi bị mất chứng minh thư, phải lên công an thành phố làm lại, tôi đã ghi trong tờ khai phần “tôn giáo” là: Thiên Chúa Giáo. Nhưng công an tra sổ gốc, thấy tôi trước kia không tôn giáo nên họ vẫn ghi như cũ.
Sau đó tôi sốt sắng bày tỏ với linh mục Nguyễn Văn Long, cha xứ nhà thờ Phùng Khoang về việc xin rửa tội. Việc chưa xong, khi tôi lên bày tỏ với linh mục Cảnh thuộc nhà thờ Hàm Long. Sau đó cha Cảnh giới thiệu tôi đến nhà thờ Lớn gặp cha Nguyễn Xuân Thủy. Từ đó tôi ghi danh theo học lớp giáo lý dự tòng từ tháng 10/2002 đến 19/4/2003 thì rửa tội. Trong quá trình học, tôi không nghỉ buổi nào.
Tối 19/4/2003, tôi được rửa tội để trở thành con cái mới của Chúa, cha Thomas Nguyễn Xuân Thủy rửa tội và sức dầu cho tôi, cha Ju-se Đặng Đức Ngân cho tôi chịu lễ mình Chúa và máu Chúa bởi bánh thánh nhúng trong rượu nho, trước sự trợ giúp của người đỡ đầu là Jean Baptiste Nguyễn Ban, cùng sự làm chứng của nhiều người. Trước bàn thờ Chúa ở nhà thờ và bàn thờ Chúa ở nhà riêng, tôi đã hân hoan cảm tạ Chúa rằng: ” Lạy Chúa! Hành trình đi đến đức tin của con có cả ơn soi-ơn gọi-và ơn chọn, khởi đầu từ hạt men đầu tiên nơi cố Hồng Y Phanxico Xavie Nguyễn Văn Thuận giờ đã dậy lên cả đống men trong tâm hồn con tràn ngập ân sủng đức tin của Chúa, trong Chúa và hướng về Chúa!”
Cùng với việc trở thành chiên mới của Chúa, giờ đây tôi đã là tác giả của hơn mười cuốn sách, trong đó có một trường ca “Ngước lên cao” viết cho Chúa và tặng Giáo hội với lời đề tặng rằng: “Con xin dâng Chúa những ý thơ đẹp nhất, những lời thơ vô song, bằng toàn tâm-toàn trí-toàn bộ tinh hoa mà thể xác cùng linh hồn vắt kiệt thành. Bằng tất cả niềm tin và mọi niềm hy vọng”. Đó là niềm hạnh phúc của vinh quang mà tôi luôn tâm niệm câu Chúa dạy: “Kẻ nào kiêu hãnh thì hãy kiêu hãnh trong Chúa”
Tâm linh tôi lúc nào cũng thấu suốt một điều là: Chúa đã cho tôi Đức tin-soi-gọi-và chọn, và quà tặng vinh quang trong sáng tạo và lao động mang hình dáng của sứ mệnh thuộc về Đức tin đó. Và tất cả điều đó được mở đầu từ nhịp cầu đầu tiên chắc chắn và vĩ đại: Hồng y Phanxico Xavie Nguyễn Văn Thuận. Ngài là cuộc gặp gỡ con người lớn nhất của đời tôi. Bởi tay ngài mở ra cuộc hành trình, mà tôi đã vượt qua cả chặng đường của đức tin để trở thành công dân-sống công lý của Nước Trời.
Xin Tạ ơn Thiên Chúa!
Và xin cám ơn Hồng y Phanxico Xavie Nguyễn Văn Thuận bằng sự hiệp thông chịu ơn thiêng liêng nhất!
Hà Nội 2/5/2003
Phao-lô Nguyễn Hoàng Đức
Share this article :