VRNs (13.01.2015)- Sài Gòn- Hơn 1.200 Phế binh VNCH quy tụ, gặp gỡ và giao lưu văn nghệ tại DCCT – Sài Gòn, vào ngày 12.01.2015.
Quý cha DCCT tổ chức buổi gặp mặt để tri ân và cầu nguyện cho quý ông được an khang và phước hạnh nhân dịp đầu năm mới.
Số lượng Phế binh ghi danh thực tế tham dự khoảng 1.100 người. Với số lượng người lớn như vậy, Ban tổ chức đã chia thành hai đợt trong một ngày. Ban sáng quy tụ khoảng 600 ông, ban chiều khoảng 500 ông. Thế nhưng, số lượng người tham gia lên đến khoảng 1.200 người bởi vì nhiều vị được bạn bè gần xa thông báo nên họ mang hồ sơ đến cũng được Quý cha tiếp nhận. Do đó, Ban tổ chức đã thiết kế bản tên kèm theo số quân để dễ kiểm soát. Ngoài ra, có nhiều vị đi lại khó khăn và nhà ở xa nên người thân đi theo chăm sóc.
Trong buổi Tri ân có sự hiện diện của Hòa Thượng Thích Không Tánh, Tổng vụ trưởng Hội Từ thiện PGVNTN; Đại diện Hội thánh Cao Đài có Ngài Chánh trị sự Nguyễn Kim Lân, CTS Nguyễn Bạch Phụng, CTS Hứa Phi; Về phía Tin Lành có Mục sư Nguyễn Hoàng Hoa, Ms Nguyễn Mạnh Hùng, Mục sư Lê Quang Du… Về phía DCCT gồm có cha Giám tỉnh Vinhsơn Phạm Trung Thành, cha Bề Trên Giuse Hồ Đắc Tâm, cha Giuse Đinh Hữu Thoại, cha Antôn Lê Ngọc Thanh, cha Giuse Trương Hoàng Vũ…
Người có sáng kiến đầu tiên trong các hoạt động ‘Tri ân Quý Phế binh VNCH’ là Hòa Thượng Thích Không Tánh. Cha Giám tỉnh Vinhsơn nhấn mạnh: “Hòa Thượng là người có công đã khởi xướng hoạt động này, khi xã hội còn gặp nhiều khó khăn, chưa có nhiều tiếng nói phản biện một cách công khai, cơ sở vật chất của thầy yếu kém và gặp nhiều khó khăn từ phía nhà cầm quyền. Từ khi Thầy chuyển giao cho chúng tôi thì chúng tôi đã thừa kế sáng kiến với lòng can đảm của Thầy với cơ sở tương đối và nhân sự có thể đáp ứng được các hoạt động này nên một ngày lan rộng hơn.”
Góp vui cho chương trình là giao lưu văn nghệ cây nhà lá vườn với nhân sự chủ lực là quý ông Phế binh với các tiết mục hát đơn ca, song ca, hợp ca, ngâm thơ… Quý ông lên sân khấu hát với nhau với thân thể què quặt nhưng lột tả được sức sống của một thời trai trẻ trong mỗi bài hát. Có những vị chỉ còn mỗi cánh tay thôi nhưng cũng diễn tả được tâm tình bài hát. Họ hạnh phúc, bình an khi được gặp nhau.
Ông Phế Binh Vương Đình Thế, thuộc Thủy Quân Lục Chiến, hiện đang sống ở Phan Thiết chia sẻ: “Niềm an ủi nhất khi tôi đến đây là nhận được sự yêu thương, đùm bọc, tôi cảm thấy như được sống lại trong tinh thần của người lính. Hầu như có đầy đủ các binh chủng ở đây, mỗi người nhớ lại một chút chút và chia sẻ cho nhau những kỷ niệm. Ở đây chúng tôi có thể nói thật với nhau được tất cả. Tôi có cảm giác mọi người chia sẻ cho tôi và chính tôi cũng được chia sẻ với họ.
Còn ông Phế binh Nguyễn Văn Nam vui mừng nói: “Tôi bị thương cụt mất một chân và khuôn mặt bị biến dạng. Chúng tôi sống trên vùng cao nguyên cô quạnh lắm, anh em chỉ biết đến nhau thôi. Về đây chúng tôi rất cảm động và vui mừng, vì được gặp lại các chiến hữu ngày xưa để chia sẻ những chuyện quân ngũ, những công việc hiện tại. Đây là lần đầu tiên tôi đến đây nên cảm xúc dạt dào lắm.”
Tiếp đến, Quý Chức sắc Tôn giáo trao từng món quà đến quý Phế binh VNCH. Thế nhưng, có một vị tên là Giang Văn Minh lại muốn chia sẻ món quà nho nhỏ này đến Soeur Thanh Mai, Hội Dòng Mến Thánh Giá Nha Trang – là người đã từng cải táng và di dời nhiều ngôi mộ vô danh và tử sỹ VNCH.
Ông Phế binh Giang Văn Minh nghẹn ngào: “Tôi muốn và xin tha thiết mong cha cầm phong bì này gửi cho Soeur Thanh Mai để lo cải táng, di dời mộ anh em chúng tôi đang còn rải rác ở đâu đó, bởi vì sự hy sinh của người nằm xuống lớn lắm. Tôi mang ơn Quý cha và Quý Souer. Một người lính đứng dưới cờ, Tổ quốc không yêu cầu họ chết không buộc họ phải hy sinh, mà họ buộc họ phải hy sinh và buộc họ phải chết. Tổ quốc không yêu cầu họ bóp cò, mà chỉ yêu cầu khống chết đối phương đừng bắn giết nữa.”
Điểm nổi bật nhất trong các buổi tri ân là quý Phế binh đến từ rất sớm để chờ đợi với niềm háo hức và bình an.
Những vị ở xa như Long Khánh, Phan Thiết, Đà Lạt, Buôn Mê Thuột, Đắk Lắc, Vũng Tàu, Bến Tre… họ đi trước một ngày hoặc đi trong từ trong đêm. Tất cả những vị ở xa đều được quý cha yểm trợ chi phí đi lại.
Ông Phế binh Nguyễn Văn Trí, sống ở Bến Tre, cho biết: “Tôi bị thương năm 1973, bị gẫy chân trái, chân phải bị thương nhưng không được chăm sóc kỹ lương nên chân bị tật, vẹo. Tôi rất vui vì quý cha giúp cho chúng tôi. Dù xa xôi chúng tôi vẫn đi. Tôi đi trước đó một ngày.”
Cho đến nay, DCCT đã tổ chức được 2 buổi Tri ân, 4 đợt khám và tầm soát sức khỏe cho khoảng 500 ông, cũng như phát xe lắc tay, xe lăn và các cặp nạng cho quý ông với một kinh phí rất lớn do tấm lòng hảo tâm từ quý ân nhân. Cha Giám tỉnh Vinhsơn nói: “Chi phí tổ chức các buổi này là do đông đảo quý ân nhân ở trong nước và ngoài nước ủng hộ. Điều này chứng tỏ rất nhiều người đứng đằng sau yêu mến và thương yêu các anh. Chúng tôi chỉ là người đứng ra thực hiện.”
Ông Phế binh Phạm Văn Ẩn, sống ở Bến Tre, gửi lời cám ơn: “Tôi đi chiến đấu để bảo vệ quê hương, dù có sống chết cũng quyết bảo vệ lý tưởng, bởi vì quê hương còn thì cha mẹ con cháu mình còn, quê hương mất sẽ mất tất cả. Quý Chức sắc trong Hội Đồng Liên Tôn, quý ân nhân đã giúp chúng tôi có một buổi gặp mặt trong tình yêu thương thế này thì quá vui mừng.”
Tinh thần của các anh chị thiện nguyện viên phục vụ trong sự hăng say, nhiệt thành và vui tươi, không một ai dám nói nặng nửa lời bởi vì họ biết quý ông là những người có tâm hồn nhạy cảm do thời cuộc đã để lại. Còn những khuôn mặt lạ đều được các anh chị mời ra một cách ôn hòa.
Một trong những tình nguyện viên là Cựu Tù nhân Lương tâm Nguyễn Bắc Truyển bày tỏ: “Đối với tôi được tham dự các hoạt động ‘Tri ân Quý Phế binh VNCH’ là một điều hạnh phúc cho tôi và vợ tôi. Bởi vì chương trình rất thiết thực đã giúp cho những người bị xã hội quên lãng 40 năm nay và ngày nay họ đã được phục hồi một phần danh dự, họ được trân trọng, được thương yêu trong giây phút cuối đời cuộc đời họ. Tôi cảm thấy đem lại hạnh phúc cho họ chính là mang lại hạnh phúc cho chính bản thân mình.”
Một tình nguyện viên đắc lực khác là bà Dương Thị Tân tâm sự: “Đã từ lâu tôi cảm thấy việc làm của Quý cha, quý thầy DCCT cho quý Phế binh đã xoa dịu một phần nỗi đau khi họ không được xã hội quan tâm. Đây là một việc làm đầy ý nghĩa để họ có một ấn tượng tốt về sự quan tâm của cộng đồng. Bản thân tôi rất vui vì làm được những việc có ý nghĩa, dù là nhỏ.”
Ông Phế binh Giang Văn Minh xúc động: “Tôi mừng vì các tình nguyện viên phục vụ vô vị lợi, mảnh đất này vẫn còn có những chồi non tốt lành mọc lên vì tình con người.”
Suốt cả ngày chương trình diễn ra khá trật tự và ôn hòa. Cha Giuse Đinh Hữu Thoại nhận xét: “Lần đầu tiên tổ chức với số lượng quý ông Phế binh rất là đông, cho nên chúng tôi hơi lúng túng, mặc dù tất cả các khâu đã được chuẩn bị kỹ, nhưng khi ra thực tế phải thay đổi phương án cho công việc được linh động hơn như điểm danh, di chuyển các ông lên hội trường được trật tự hơn. Hôm nay là một ngày thành công trong vấn đề tổ chức và không gặp trục trặc lớn nào xảy ra.
Bản thân các ông là những người đứng tuổi, những người lính nên tinh thần quân đội của các ông rất cao, các ông không giành giật, chen lấn, chịu khó lắng nghe sự hướng dẫn của các tình nguyện viên. Đây là sự nổi bật giúp cho chương trình được trật tự và ôn hòa.”
Tuy nhiên, có một vài khuyết điểm sẽ được khắc phục cho những lần sau. Cha Thoại cho biết thêm: “Trong chương trình chúng tôi thông báo chỉ có họp mặt, phát quà và trao phần ăn trưa, do đó, có một số ông đến đây từ sớm, đi đường dài, không ăn sáng nên hơi mệt mỏi một chút, nhưng chúng tôi có bộ phận y tế đã chăm sóc sức khỏe cho các ông như đo huyết áp, cấp thuốc…”
Qua các hoạt động ‘Tri ân Quý Phế binh VNCH’ cha Giám tỉnh Vinhsơn muốn gửi đến các bạn trẻ thông điệp: “Tôi muốn chia sẻ với các bạn rằng, chiến tranh huynh đệ đã tàn phá đất nước và dân tộc, gây ra sự chia rẽ nên chúng ta hãy lấy tình thương để hàn gắn lại, lấy yêu thương để bao bọc nhau… Đối với các bạn trẻ Công giáo, tôi muốn gửi đến các bạn sứ điệp về tình yêu, Thiên Chúa muốn cứu rỗi tất cả mọi người, Tin Mừng luôn gắn với người nghèo. Một trong ba tiêu chí mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã chọn khi Ngài lên ngôi Giáo hoàng để lãnh đạo Giáo hội là người nghèo, môi trường và hòa bình. Người nghèo là con người và là đối tượng của Ngài và của Hội Thánh.”
Có thể nói các bạn trẻ sinh ra và lớn lên trong một xã hội dường như không còn chiến tranh, không có một ý niệm gì về chiến tranh, không có vết thương nào do chiến tranh để lại, nhưng nhiều bạn chưa thấy hết một số vấn đề của lịch sử nên đã có thành kiến với Quý Phế binh VNCH, xem họ là ngụy quân, ngụy quyền, quân ác ôn đi làm tay sai cho đế quốc Mỹ bán đứng Tổ quốc… Rất nhiều những lời miệt thị đắng cay đã trút lên những người lính. Thật ra, họ không phải những con người ác ôn, phản bội Tổ quốc, thay vào đó họ đã hy sinh mạng sống và cuộc đời để bảo vệ quê hương đất nước cho con cháu –chính là những người trẻ được sống bình an trong sự hòa bình. Dù mọi người có lãng quên, nhưng lịch sử không bao giờ quên lãng những người lính VNCH, và chính lịch sử sẽ trả lại nhân phẩm cho họ thông qua những công việc tri ân âm thầm tuy nhỏ nhưng thiết thực đang được thực hiện ngay trong giây phút hiện tại.
Huyền Trang, VRNs
Ảnh: Phạm Đức Hiệp, VRNs