Không kể những vụ sập cầu do mưa lũ, dư luận thời gian gần đây từng ghi nhận nhiều vụ sập cầu treo khác, điểm đáng lưu ý là nhiều sự cố xảy ra ở những cầu còn mới, thậm chí có chiếc còn đang trong giai đoạn hoàn thiện. Hầu hết các vụ sập cầu đều có thương vong.
Chiếc quan tài của Phó Chủ tịch HĐND xã Chu Va 6 - người vừa mất vì TNGT tối thứ bảy tuần trước cũng bị rơi xuống suối trong vụ lật cầu treo. Ảnh Phan Nhâm. Báo GTVT
Tang thương nhất, sáng hôm qua 24/2, trong lúc đoàn đưa đám ma ở bản Chu Va 6, xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, Lai Châu đang đi qua cầu treo Chu Va 6 thì cây cầu bất ngờ sập xuống làm 8 người chết, gần 40 bị thương, trong đó có 20 người bị thương nặng. Điều đáng nói là cây cầu treo dài 54m, cách mặt suối hơn 9m này mới được khánh thành hơn 1 năm.
Ngay sau khi xảy ra tai nạn, chính quyền địa phương và người dân đã nhanh chóng đưa những người bị thương lên Bệnh viện Đa khoa huyện Tam Đường cấp cứu. Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã sớm có mặt tại Lai Châu chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả sự cố. Bộ trưởng Bộ GTVT cũng đã ký Công điện khẩn yêu cầu UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương, Tổng cục Đường bộ Việt Nam rà soát lại toàn bộ hệ thống cầu treo dân sinh trên địa bàn tỉnh, thành phố; tổ chức kiểm định chất lượng các công trình để có phương án khai thác phù hợp.
25 bác sỹ giỏi đã được đưa đến Lai Châu trưa nay bằng trực thăng để hỗ trợ công tác cứu chữa cho các nạn nhân gặp nạn.
Nạn nhân của vụ sập cầu treo bắc qua sông Krông Kmar. Ảnh: ANTĐ
Mới cách đây chưa lâu, tại Đắk Lắc, chiều 27/9/2013, một người đàn ông đi bộ từ bên kia suối về nhà, qua cây cầu treo bắc qua suối Krông Kmar thì cây cầu sập khiến ông bị chấn thương nặng ở vùng mặt, phải nằm viện điều trị.
Theo những người có trách nhiệm trong vụ việc, chiếc cầu bị sập là do tuột dây cáp treo - lỗi kỹ thuật trong quá trình lắp cáp. Vụ việc trở nên ồn ào khi phía các nhà quản lý thì cho rằng cây cầu chưa hoàn thành nhưng người dân vẫn phớt lờ đi qua nên mới xảy ra sự cố đáng tiếc, còn phía người dân lại cho rằng dù chưa hoàn thành nhưng cầu đã được lót ván, người dân và phương tiện vẫn thường xuyên qua lại mà không bị cấm cản, nhà thầu không hề cảnh báo, cũng không hề ngăn cấm nhắc nhở người dân.
Cầu treo Bùa Chung bị sập. Ảnh: Internet
Cũng trong năm 2013, ngày 16/6, chiếc cầu treo Bùa Chung (Tường Phù, Phù Yên, Sơn La) bị sập đã làm 20 người dân cùng với xe cộ và nông cụ làm đồng rơi xuống suối khiến 13 người bị thương, trong đó 3 người bị thương nặng, 11 chiếc xe máy và 2 chiếc xe đạp bị hư hỏng hoàn toàn.
Cầu treo Bùa Chung có chiều dài trên 83 m là cầu treo cũ lát bằng tre, đang được nâng cấp, chưa thông tuyến kỹ thuật thì xảy ra sự cố.
Một vụ sập cầu treo khác được ghi nhận là vào ngày 17/11/2010, cầu treo xã Sơn Thủy trên sông Re, huyện Sơn Hà, Quảng Ngãi bị sập do đứt dây néo. Vụ việc may mắn không có thương vong về người nhưng hơn 300 hộ đồng bào dân tộc thiểu số hai thôn Tà Bần và Tà Bi (xã Sơn Thủy) đã bị cách ly vì nước sông Re rất lớn, không thể sử dụng thuyền bè qua lại.
Cầu Cái Bảng bị sập. Ảnh: Internet
Trước đó, ngày 20/10/2010, cầu treo Cái Bảng (Lộc Thắng, Bảo Lâm, Lâm Đồng) cũng bất ngờ bị sập khi một người đàn ông lái xe công nông chở khoảng 1,5 tấn cà phê qua cầu khiến một dây neo cầu bị đứt. Chiếc xe rớt xuống nước sâu hơn 10m nhưng hai người trên xe đã may mắn thoát chết, bơi được vào bờ.
Cầu treo Cái Bảng là cầu mới, được BQL công trình xây dựng Nhà máy bôxít Tân Rai Lộc Thắng đầu tư xây dựng, dài gần 100m, rộng 2,1m, tải trọng 2,5 tấn. Tại thời điểm bị đứt, cầu mới được đưa vào hoạt động gần một tháng.
T. Huyên (Tổng hợp)