http://rossikuku.blogspot.de/ chân thành kính chúc Qúy Độc Giả Một Năm Mới An Khang - Thịnh Vượng - Vạn Sự Như Ý
Home » » ‘Cô dâu Việt rẻ như bèo’, ai phải nói xin lỗi ?

‘Cô dâu Việt rẻ như bèo’, ai phải nói xin lỗi ?

Trầm Hương Thơ | 03:56 | 0 nhận xét
“…Những cô gái Việt Nam xếp hàng khỏa thân cho đàn ông ngoại quốc chọn vợ, vạch vòi xem từng bộ phận trên cơ thể như ở một phiên chợ nô lệ hoặc gia súc, còn gì cay đắng bằng nữa không? Đó chẳng phải là cô dâu Việt rẻ như bèo thì còn gì nữa mà bắt người ta phải nói lời xin lỗi?…”

Cảnh trích từ bộ phim “Nông dân hiện đại” của Hàn Quốc

Nhiều khán giả Việt Nam tỏ ra phẫn nộ vì một bộ phim Hàn Quốc có lời thoại đánh giá cô dâu Việt rẻ như bèo.

Mấy ngày qua, chuyện bộ phim truyền hình “Nông dân hiện đại” chiếu trên đài truyền hình SBS của Hàn Quốc có lời thoại xúc phạm các cô dâu Việt Nam đang làm xôn xao cộng đồng. Phân cảnh xuất hiện câu thoại ấy là khi người mẹ nhìn thấy con trai mình say bí tỉ, nằm ngủ quên trong nông trại, liền vừa lay con dậy vừa quát: “Con muốn kết hôn thì cai rượu đi. Con uống rượu cả ngày thì dù có sang Việt Nam cũng không tìm được dâu đâu”.

Cách mà người mẹ ví von ý muốn nói với chàng trai rằng ở Việt Nam là kiếm vợ dễ nhất, mà họ (phụ nữ Việt) còn không chấp nhận người say xỉn như anh thì anh cần phải coi lại mình.

Người có đầu óc hài hước thì coi đó là một câu chuyện hài, họ bảo, từ trước tới giờ mới chỉ thấy các tờ báo bóng đá, cầu thủ và huấn luyện viên Tây Ban Nha lấy Việt Nam ra ví von theo kiểu: “Đây là một trận đấu đáng quên… Tôi thà ở nhà bật truyền hình để xem một trận nào đó tại Việt Nam” hay “Trong 15 phút đầu, các nhà đương kim vô địch thế giới chơi không khác gì Việt Nam”. Giờ đây lại có thêm người Hàn Quốc coi cô dâu Việt Nam rẻ như bèo nữa, thì chúng ta lại càng nổi tiếng hơn, có gì đâu mà buồn.

Thế nhưng số đông thì phẫn nộ thực sự, có người yêu cầu “Đề nghị gửi công hàm phản đối đến nước bạn vì đã xúc phạm đến hình ảnh quốc gia. Bộ Văn hóa không cho nhập và phát hành bộ phim “Nông dân hiện đại” trên các phương tiện truyền thông dưới mọi hình thức”.

Lại cũng có người bảo Việt Nam nên nhập phim này về chiếu cho các chị em phụ nữ đang mơ lấy chồng Hàn để đổi đời được “sáng mắt ra”, đàn ông Việt Nam không chấp nhận phụ nữ kết hôn vì tiền và lười lao động.

Tất cả những ý kiến trên, ai cũng có lý một tý, nhưng nghĩ thật kỹ và sâu, thì sao lại thấy buồn và xót xa đến vậy. Dường như rất ít người tỏ ra cảm thông với các cô dâu Việt lấy chồng ngoại quốc, trong mắt mọi người, hình như đó chỉ là những phụ nữ vì tiền, lười biếng, xấu xa.

Con số thống kê mới nhất từ ông Jun Dae Joo- Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam cho biết: hiện nay có khoảng 57.000 cô dâu Việt Nam lấy chồng Hàn Quốc. Con số 57.000 người phụ nữ Việt Nam này có gợi lên trong lòng bạn chút cảm giác xót xa?

Có lẽ không nước nào trên thế giới lại có số phụ nữ chấp nhận kết hôn dị tộc nhiều đến như vậy, 57.000 người và có lẽ sẽ còn tăng thêm. Trong số đó, theo suy nghĩ chủ quan của tôi, có lẽ rất ít người kết hôn vì tình yêu thực sự, phần lớn chỉ là những cuộc bán mua, thông qua con đường môi giới chính thức và lén lút.

Những cô gái Việt Nam xếp hàng khỏa thân cho đàn ông ngoại quốc chọn vợ, vạch vòi xem từng bộ phận trên cơ thể như ở một phiên chợ nô lệ hoặc gia súc, còn gì cay đắng bằng nữa không? Đó chẳng phải là cô dâu Việt rẻ như bèo thì còn gì nữa mà bắt người ta phải nói lời xin lỗi?

Biết bao nhiêu vụ án đã xảy ra với cô dâu Việt ở xứ người, bị giết chết, bị bạo hành, bị chà đạp, biết bao nhiêu gia đình đã nhận con về trong hình hài một lọ tro. Hỏi còn gì đau thương hơn?

Các vị đàn ông Việt Nam có suy nghĩ gì khi một cô dâu tâm sự: “Không phải bọn em nhìn thấy cảnh các cô dâu Việt bị giết chết, bị nhà chồng hành hạ mà không thấy sợ. Nhưng nếu có ở lại trong nước, kết hôn với đàn ông Việt, chị tưởng bọn em không bị chồng đánh đập hành hạ hay sao?”

Các kết quả điều tra cho thấy, ở Việt Nam, có 32% phụ nữ từng kết hôn được hỏi cho biết họ đã phải chịu bạo lực thể xác trong đời. Tỷ lệ bị bạo lực thể xác do chồng gây ra đối với phụ nữ sống ở nông thôn là 32,6% và ở thành thị là 28,7%; tại khu vực duyên hải Nam Trung Bộ là 23,6% và Đông Nam Bộ là 37,6%. Tỷ lệ bị bạo lực thể xác đối với phụ nữ đã từng mang thai khoảng 5% và tỷ lệ bị bạo lực thể xác khi đang mang thai cao nhất ở những phụ nữ chưa từng được đi học.

Không ai dám tuyên bố rằng đàn ông Việt Nam phải chịu trách nhiệm trong việc phụ nữ bỏ đi lấy chồng ngoại quốc, đó là một nhận định sai lầm. Nhưng có lẽ các vị đàn ông cũng nên nghĩ một chút, một chút thôi đến trách nhiệm của mình trong cuộc đấu tranh vì bình đẳng giới vốn đang rất gian nan.

Con số 57.000 phụ nữ phải tha hương xứ người làm dâu với rất nhiều bấp bênh may rủi, theo bạn, đó là một niềm tự hào cho người Việt hay là nỗi xót xa? Nếu các gia đình chấp nhận gả bán con đừng quá nghèo, nếu các em gái được học hành, giáo dục đến nơi đến chốn, tôi tin rằng con số kia sẽ không cao đến thế.

Chung quy cũng chỉ bởi cái nghèo và một nền học vấn thấp. Chung quy cũng bởi sự thờ ơ vô cảm của những người có trách nhiệm với mức sống và trình độ giáo dục của người dân đã thản nhiên để họ “sống chết mặc bay”.

Vậy thì người phải nói ra lời xin lỗi về câu chuyện “cô dâu Việt Nam rẻ như bèo” là người Hàn Quốc hay chính là người Việt chúng ta?

11/12/2014
Mi An
Share this article :