Mấy hôm trước, khi câu chuyện các cựu quan chức về hưu không chịu trả lại nhà công vụ trở nên nóng tại kỳ họp Quốc hội và các diễn đàn, trên facebook của nhà báo Trần Đăng Tuấn chia sẻ một tấm ảnh nhà công vụ của các giáo viên ở điểm trường Đán Mảy huyện Ba Bể (Bắc Kạn) cùng câu hỏi đắng chát: “Nhà công vụ này, có ai muốn giữ sau khi về hưu không?”
Trông cái túp lều bằng gỗ tạp trống thưa trống thếch gió vào thông thống, nền đất lở lói ngày mưa lầy lội, ngày nắng bụi mù, dăm cái bàn ghế chân khập khiễng đóng gá mà thấy buồn và xót xa.
Nhà công vụ của các thầy cô ở điểm trường Đán Mảy
Cùng mang tên “nhà công vụ” như nhau, mà bên thì ở đất ngon, tiền nhiều chục tỷ, bên thì rách rưới dột nát tạm bợ. Đúng là cái loại nhà công vụ mà các giáo viên ở trường Đán Mảy đang được vinh dự sở hữu, có vứt không cũng chẳng ai thèm.
Thế nên mới biết, cái sự ôm khư khư nhà công vụ sau khi về hưu, biến “nhà công thành nhà ông” của các quan chức thật là có lý và dễ hiểu. Ở đời có ai thấy lợi mà không ham, mỡ treo ngay mũi mèo nào lại chịu nhịn.
Nhất là trong hoàn cảnh mà các quy định đều nhập nhằng, các quan chức thì nể nang nhau, có người tâm sự rất thật lòng: “Ngày hôm trước người ta vừa nhận quyết định về hưu, ngày hôm sau đã ký quyết định đòi nhà, làm thế coi sao được” thì cái sự ôm nhà không chịu trả là điều đương nhiên.
Mà lạ thật, cứ càng có chức vụ cao, người ta lại càng khăng khăng không chịu nhả nhà công vụ. Ông cựu Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền, bao nhiêu dinh thự tòa ngang dãy dọc, cung điện nguy nga, đến lúc lộ mặt vẫn lòi ra thêm một căn nhà công vụ đang nắm trong tay chìa khóa vẫn chưa chịu trả.
Bàn về chuyện quan chức không chịu trả nhà công vụ, có người nản quá nên nói: “Thôi đừng đòi tới đòi lui nữa, có những thứ to hơn các vị ấy còn nuốt được, một căn nhà công vụ bé con con, sá gì mà không trôi”.
Không thật thế sao, đã biết bao nhiêu căn nhà công vụ được hóa giá xong xuôi để quan chức kiếm lời nhiều chục tỷ rồi, dân nghèo làm sao biết được ma ăn cỗ ở đâu.
Đó là chuyện ở nước ta, còn đây là chuyện nước Mỹ. Một bài báo với tiêu đề “Tổng thống Obama phải bỏ tiền túi mua…kem đánh răng” đăng trên báo Thanh Niên cho biết: “Có một quy định tồn tại từ lâu là các tổng thống phải chi trả cho các bữa ăn của bản thân, gia đình và khách mời riêng. Tổng thống Obama phải bỏ tiền túi cho bữa tiệc của mình từ gà tây, giăm bông, khoai lang ngọt... đến kem đánh răng và cả việc giặt ủi.
Quy định này có từ năm 1800 khi John Adams lên làm tổng thống.
TT Obama đi mua sắm cùng con gái trong ngày Lễ Tạ Ơn
Đối với những sự kiện riêng, tổng thống sẽ trả tiền thức ăn và đồ uống, đội ngũ phục vụ, trang trí và dọn dẹp. Văn phòng quản lý Nhà Trắng sẽ chuẩn bị một bản thanh toán chi tiết và gửi cho tổng thống một bản sao, một bản khác được chuyển cho Đệ nhất phu nhân vào mỗi giữa tháng. Bản thanh toán ghi lại từng khoản từ đồ ăn thức uống mà gia đình tổng thống sử dụng cũng như để tiếp khách riêng, bao gồm cả các hóa đơn và biên lai cho những chi phí và dịch vụ khác. Sau đó ông Obama sẽ hoàn trả cho chính phủ”.
Tôi tin rằng nếu các quan chức nhà ta mà vô tình đọc bài báo này, họ sẽ vỗ đùi đánh đét: “Tưởng làm Tổng thống Mỹ thì sung sướng thế nào, chứ đến kem đánh răng mà cũng phải bỏ tiền túi ra mua thì có các vàng tớ cũng chẳng thèm làm Tổng thống Mỹ”.
Ai ngờ được một đất nước giàu có hùng cường như Mỹ mà lại đối xử với nhà lãnh đạo cao cấp nhất của mình như vậy? Thật là tệ bạc quá phải không thưa bạn đọc?
Quay lại câu chuyện về nhà công vụ. Sự trơ lì của các vị đang cố ôm khư khư cái nhà sau khi kết thúc nhiệm kỳ cho chúng ta thấm thía một điều. Hóa ra cái xã hội chúng ta nghèo nhất không phải tiền bạc mà chính là lòng tự trọng.
Vì nghèo lòng tự trọng nên người ta mới phải cố để vơ những thứ không thuộc về mình để thành của mình. Vì nghèo lòng tự trọng nên các vị mới lên tiếng trả lời trên báo chí: “Có ai đòi đâu mà chúng tôi phải trả?”, “Phải nhìn nhận công bằng với những người đã đóng góp, hy sinh cho đất nước”.
Than ôi, bao nhiêu liệt sĩ đã vĩnh viễn nằm xuống để hóa thân vào đất, họ có cơ hội nào để được nói câu này giống như các vị mà đòi quyền lợi cho mình hay không?
Những đặc quyền đặc lợi càng tăng lên cho một bộ phận cán bộ, điều đó đồng nghĩa với số đông còn lại trong xã hội sẽ ngày một nghèo đi và sự công bằng lại càng trở nên xa vời hơn bao giờ hết.
Tôi chỉ có một ước nguyện, đó là đề nghị thống kê xem trên cả nước còn bao nhiêu căn nhà công vụ tiêu chuẩn ngàn sao (nằm trên giường có thể đếm sao) như của các thầy cô giáo ở điểm trường Đán Mảy rồi đem làm quà tặng miễn phí cho các vị cán bộ sau khi về hưu.
Chỉ khi ấy, người dân mới được chứng kiến câu chuyện ngược đời chưa từng xảy ra: “Cán bộ từ chối nhận nhà công vụ”.
Mi An
Nguồn: Blog Quê choa
(Các bài viết trong mục Blog thể hiện quan điểm riêng của tác giả)