http://rossikuku.blogspot.de/ chân thành kính chúc Qúy Độc Giả Một Năm Mới An Khang - Thịnh Vượng - Vạn Sự Như Ý
Home » » Khối NATO lên tiếng cảnh báo Nga

Khối NATO lên tiếng cảnh báo Nga

Trầm Hương Thơ | 04:01 | 0 nhận xét
NATO đã cảnh báo sẽ xem xét lại mối quan hệ với Nga cũng như đe dọa sẽ có những biện pháp trừng phạt và trả đũa nếu Nga tiếp tục can thiệp quân sự vào tình hình ở Ukraine. Hôm thứ Tư, các nhà ngoại giao phương Tây đã có một buổi họp tại châu Âu để bàn về vấn đề này.

Cali Today News- Tại trụ sở của NATO ở Brussels, Bỉ, Tổng thư ký Anders Fogh Rasmussen đã trả lời các phóng viên rằng NATO đang thực sự xem xét lại mối quan hệ giữa khối này với Nga, ông cho biết đây là một thông điệp rõ ràng mà NATO gửi đến Nga.

Kế hoạch hợp tác giữa Nga và NATO – cùng với Hoa Kỳ tham gia trung hòa vũ khí hoá học – đã bị đình chỉ. Ông Anders cho biết, quyết định này sẽ không gây ảnh hưởng đến sự hủy diệt của vũ khí hoá học.
Và từ giờ sẽ không có bất kỳ một cuộc họp dân sự hoặc quân sự nào với Nga diễn ra nữa.

Nhưng ông cũng nói thêm rằng khối NATO cũng sẽ mở một cánh cửa đối thoại chính trị cho Nga nếu quốc gia này muốn quay đầu lại. Ngoài ra, NATO sẽ tăng cường mối quan hệ với Ukraine, đẩy mạnh quan hệ dân sự cũng như quân sự với lãnh đạo của nước này. Thông qua việc phát triển liên kết đào tạo, huấn luyện và các dự án đa quốc gia.

Những phát biểu này được đưa ra sau khi Tổng thư ký của NATO đã có cuộc họp tại Paris với các bộ trưởng các quốc gia từ Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Đức và Nga.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ, ông John Kerry và người đồng cấp Nga, Sergey Lavrov đã gặp nhau lần thứ ba tại Paris hôm thứ Tư. Họ tỏ ra thân thiện và chào hỏi nhau trước khi tham dự phiên họp tại Đại sứ quán Nga.
Các quan chức cho biết, ông Kerry kêu gọi Nga và Ukraine có một cuộc đàm phán trực tiếp để giải quyết cuộc khủng hoảng.

Photo Courtesy:CNN
Một trong những cuộc họp trên bao gồm một cuộc thảo luận ngắn gọn và không chính thức giữa ông Kerry, Lavrov, William Hague (Anh), Laurent Fabius (Pháp) và Frank Walter Steinmeier (Ngoại trưởng Đức).

Thứ Năm tới đây, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu sẽ có cuộc gặp mặt tại Brussels để bàn về các biện pháp trừng phạt đối với Nga nếu quốc gia này vẫn cố chấp trong vấn đề Ukraine.

Tác động của lệnh trừng phạt có thể gây ảnh hưởng đến một số quốc gia khác, ngoài Nga. Để trả đũa, các nhà lập pháp Nga đang soạn thảo một đạo luật sẽ cho phép Nga tịch thu tài sản của các công ty Hoa Kỳ và châu Âu nếu lệnh trừng phạt được thực hiện. Hiện vẫn chưa có thông tin cụ thể về động thái trả đũa của Nga, nhưng hiện nay có nhiều công ty lớn của châu Âu và Hoa Kỳ đang đầu tư vào Nga, và Nga cũng là nhà cung cấp khí đốt chính của châu Âu.

Ông William (Anh) nói:“Nội dung của lệnh trừng phạt sẽ phụ thuộc vào thái độ của Nga đối với Ukraine. Nếu tình hình giữa hai quốc gia vẫn không được cải thiện và leo thang, Nga sẽ phải lãnh nhận những gì gọi là ‘hậu quả’.”

Quân đội Nga vẫn đang nắm quyền kiểm soát tại Crimea, một bán đảo trên Biển Đen của Ukraine, đây cũng là nơi có căn cứ hải quân lớn của Nga.

Tình hình tại Crimea đang ngày càng hỗn loạn. Phó tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, Jan Eliasson đã nói với các phóng viên hôm thứ Tư rằng: Một đặc phái viên của Liên Hiệp Quốc – Robert Serry – đã bị đe dọa bởi những người đàn ông có vũ trang ở Sevastopol, những kẻ này đã ép ông Robert lên một chiếc xe. Liên Hiệp Quốc hy vọng chính quyền địa phương sẽ bảo đảm an toàn để ông Robert có thể trở về khách sạn. CNN đưa tin rằng ông Robert đã đồng ý rời khỏi Ukraine ngay lập tức.

Ở thành phố phía đông, Donetsk, những người biểu tình đã chiếm một toà nhà của chính quyền địa phương và hướng đến kho bạc của vùng. Những người biểu tình này yêu cầu tổ chức một cuộc trưng cầu về tình trạng của vùng Donetsk và nói rằng họ muốn được tự do dân chủ. 

Trong những cuộc thảo luận tại Paris, ông Kerry đã nhắc nhở Moscow rằng Nga đã ký vào Hiệp định 1994 tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine – cùng với Hoa Kỳ và Anh, khi Ukraine đồng ý từ bỏ vũ khí hạt nhân.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao của Ukraine, Andrii Deshchytsia nói rằng ông rất mong muốn sẽ có thể có cuộc thảo luận song phương và đa phương với Nga.

Nga khăng khăng không công nhận sự hợp pháp của chính quyền mới thành lập của Ukraine.

Về phía mình, các quốc gia phương Tây cho rằng việc Tổng thống Viktor Yanukovych bị lật đổ chạy trốn khỏi đất nước, để lại một khoảng trống nhưng khoảng trống đó đã được lấp đầy bằng chính quyền mới thành lập. Họ chỉ ra rằng chính phủ lâm thời được bầu chọn theo sự đồng thuận của phần lớn quốc hội, bao gồm các thành viên của Đảng phái ông Yanukovych.

Sau khi diễn ra cuộc họp giữa Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, và Ukraine, ba quốc gia này đã kêu gọi các quan sát viên quốc tế đến Ukraina. Theo họ, việc này sẽ giúp giải quyết bất kỳ vấn đề nào liên quan đến lực lượng không đều, hoạt động quân sự của Ukraina.

Nga đã dùng sự an nguy của những người Nga đang sống tại Ukraine để biện minh cho hành động can thiệp quân sự của mình.

Tổ chức An ninh và Hợp tác ở châu Âu, một khối an ninh khu vực, cho biết họ đã gửi 35 quan sát viên quân sĩ không vũ trang đến Odessa, Ukraine, để đáp ứng sự kêu gọi của Kiev. 

Hôm thứ Ba, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phủ nhận thông tin quân đội Nga đang chiếm đóng Crimea, nhưng cho biết ông có quyền bảo lưu hành động quân sự để bảo vệ sự an toàn của người Nga đang sống ở khu vực miền đông Ukraine.

Ông còn đả kích chính phủ lâm thời, chính quyền mới thay thế cho ông Yanukovych vốn là một đồng minh của Nga, là bất hợp pháp.

Fabius, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Pháp cũng đưa ra quan điểm:“Việc một quốc gia đem quân đi xâm lược lãnh thổ quốc gia khác là hoàn toàn trái với đạo luật quốc tế. Nên có những cuộc đối thoại giữa Nga, Ukraine và EU.”

Tổng thư ký của NATO, ông Anders và Thủ tướng đương thời của Ukraine – Arseniy Yatsenyuk - sẽ có một cuộc gặp mặt vào ngày thứ Năm tuần này.

Chủ tịch của Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso đã tuyên bố hôm thứ Tư, tại Brussels rằng: EU sẽ cung cấp một gói cứu trợ trị giá 15 tỉ Mỹ Kim cho Ukraine. Ông cho biết gói cứu trợ này bao gồm các biện pháp ngắn hạn và trung hạn về hỗ trợ thương mại, viện trợ kinh tế, kỹ thuật và tài chính cho Ukraine.

Trong chuyến thăm Kiev hôm thứ Ba của mình, ông Kerry tuyên bố Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ cho chính phủ lâm thời của Ukraine 1 tỷ Mỹ Kim để bảo lãnh vay vốn. Các quan chức cấp cao Hoa Kỳ nói rằng động thái này sẽ giúp bảo vệ nền kinh tế Ukraine khỏi những tác động do Nga giảm trợ cấp năng lượng.

Chính quyền mới của Ukraine từng tuyên bố họ cần 35 tỷ Mỹ Kim vào cuối năm 2015 để duy trì nền kinh tế đang gặp khó khăn của họ.

Trong khi đó, Liên minh châu Âu cho biết họ đã cho đóng băng tài khoản của 18 người ở châu Âu được cho là đã chiếm dụng vốn của chính phủ Ukraine. Danh tính của những nhân vật này vẫn chưa được tiết lộ.

Sáng ngày thứ Tư, tại Madrid, Tây Ban Nha, Ngoại trưởng Nga cho biết cuộc khủng hoảng đã bắt đầu khi cộng đồng quốc tế không phản ứng với các cuộc biểu tình chống chính phủ ông Yanukovych. Ông biện minh:
“Đó là một cuộc đảo chính quân sự. Tổng thống hợp pháp đã bị truất quyền bằng những phương pháp không hề có trong hiến pháp hay pháp luật của Ukraine. Nếu chúng tôi tỏ ra khoan dung với những kẻ đang cố gắng dành quyền cai trị người hàng xóm của chúng tôi – Ukraine - chẳng khác nào tạo điều kiện cho gương xấu lây lan trong cộng đồng quốc tế.” 

Ông Lavrov cũng nhắc lại lời phủ nhận của ông Putin rằng quân đội Nga không hề chiếm đóng Crimea mà chỉ là hành động tự vệ của Nga để bảo vệ cho các công dân Nga đang sống trên lãnh thổ Ukraine.

Nga muốn dùng một thoả thuận đã được ký kết vào ngày 21 tháng Hai giữa chính phủ của Yanukovych và phe đối lập để làm cơ sở cho các cuộc đàm phán. Được biết, thoả thuận này hứa hẹn một cuộc bầu cử mới, cải cách hiến pháp và giải tán các nhóm vũ trang bất hợp pháp.

Andriy Parubiy, Thư ký Uỷ ban An ninh và Quốc phòng của Ukraine, trả lời các phóng viên tại Kiev hôm thứ Tư rằng tình hình ở Crimea đã bình ổn hơn hôm thứ Ba.

Mặc dù Nga không gửi thêm quân đến bán đảo, nhưng những người biểu tình ủng hộ thân Nga vẫn nhắm vào các toà nhà chính phủ ở miền đông và nam của Ukraine.

Những phát đạn cảnh cáo đã được bắn hôm thứ Ba từ phía Nga trong cuộc đối đầu với các lực lượng của Ukraine tại một căn cứ quân sự gần cảng Sevastopol trước khi tình hình trở nên lắng dịu.

Đại tá Sergei Astakhov, trợ lý giám đốc của Dịch vụ Biên giới Ukraine, nói với CNN rằng cảnh sát đã tăng cường kiểm tra an ninh tại biên giới Nga, đặc biệt là ở phía đông nam.

Trước đó, ông cho biết Ukraine đã trao trả hơn 300 người đang tìm cách xâm nhập vào Ukraine từ Nga, Ukraine nghi ngờ đó là những người tham gia vào các cuộc gây rối trong các đoàn biểu tình. 

Cũng trong hôm thứ Ba, ông Putin đã ra lệnh cho quân đội Nga trở lại căn cứ của họ sau khi tham gia vào một cuộc tập trận gần biên giới, một động thái mà các chuyên gia quan sát cho là một dấu hiệu tích cực.

Kha Trần
Share this article :